Giá giấy tăng đột biến - không phải do đầu cơ, làm giá?

Giá giấy tăng đột biến - không phải do đầu cơ, làm giá?

Ngày đăng: 11/06/2018 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành
Chưa bao giờ giá giấy in báo và giấy viết trong nước lại biến động mạnh như thời gian gần đây, khi tăng vọt lên ít nhất khoảng 1,5 triệu đồng/tấn so với thời điểm cuối năm 2017. Lý do là giá bột giấy để sản xuất giấy và giá giấy trên thế giới tăng. Tuy vậy, vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra như liệu có tình trạng doanh nghiệp đầu cơ, “bắt tay nhau làm giá”? Vai trò điều tiết thị trường của Tổng Công ty Giấy Việt Nam ở đâu?

Giá giấy tăng là tất yếu

Hiện giá giấy in báo và giấy viết đều tăng so với thời điểm tháng 12.2017. Cụ thể, giá giấy in báo vào khoảng 17,5 - 18,5 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 4,5 - 5 triệu đồng/tấn. Còn đối với giấy viết, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng tăng giá lên khoảng 21,5 - 22 triệu đồng/tấn so với mức 19,5 triệu đồng/tấn hồi cuối năm ngoái.

Lý giải nguyên nhân tăng giá giấy, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA) kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam Nguyễn Việt Đức phân tích, nhìn từ câu chuyện hội nhập toàn diện, Việt Nam đã ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do với các nước, trong đó có những nước phát triển mạnh về công nghiệp giấy như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện, thuế nhập khẩu giấy về Việt Nam từ 0 - 1% và không hạn chế điều kiện gì. Do đó, Việt Nam đang là “chợ chung” về thị trường giấy của các quốc gia này, đồng nghĩa giá giấy ở Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào giá giấy thế giới (trong đó Trung Quốc nắm vai trò chi phối).

Một điểm đáng lưu ý nữa là từ nửa cuối năm ngoái, Trung Quốc thiết lập những chính sách nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường, điều đó đã có tác động mạnh đến các nghành công nghiệp hóa chất, sản xuất giấy… Một loạt nhà máy giấy của nước này phải đóng cửa do không đạt tiêu chuẩn về xử lý chất thải hoặc hạn chế sản xuất bởi không nhập được bột giấy nguyên liệu. Trong khi đó, nhu cầu về giấy lên tới 120 triệu tấn/năm nên Trung Quốc buộc phải bù đắp bằng cách đi mua cả giấy và bột giấy trên toàn thế giới. Do đó, giá bột giấy để sản xuất giấy và giá giấy đều tăng. Cụ thể, hiện, giá bột giấy sản xuất từ gỗ mềm (gỗ thông) tăng từ 600 USD lên gần 900 USD/tấn (hơn 6 triệu đồng/tấn). Giá bột giấy sản xuất từ gỗ cứng (keo và bạch đàn) tăng từ khoảng 550 USD lên khoảng 790 USD (hơn 5 triệu đồng/tấn).

Tổng Thư ký VPPA Đặng Văn Sơn bổ sung, việc giá giấy tăng đã được dự báo từ trước. Lý do là trước kia giá giấy quá thấp, chưa phản ánh đúng được chi phí sản xuất thực tế nhưng để cạnh tranh, các nhà sản xuất giấy chấp nhận bán giá thấp với mục đích duy trì sản xuất và ổn định việc làm cho người lao động. Một phần khác là do giá của nhiều nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất giấy (xăng, dầu, than, điện) từ cuối năm 2017 tới nay tăng cao mà sản xuất giấy tiêu hao năng lượng lớn nên đã tác động đáng kể lên giá thành giấy. Cũng theo ông Sơn, giấy in, viết tại Việt Nam được sản xuất chủ yếu từ bột giấy song năng lực sản xuất bột giấy của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được gần 200 nghìn tấn, trong khi tổng sản lượng giấy in, viết các loại sản xuất khoảng hơn 360.000 tấn. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu bột giấy nên khi thị trường thế giới biến động, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Bất lực trong điều tiết thị trường

Việc giá giấy tăng, đặc biệt là giấy in, đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của khối doanh nghiệp ngành in. Nhiều vấn đề được đặt ra như có hay không tình trạng đầu cơ, “làm giá” của khối doanh nghiệp trong ngành để đẩy giá giấy lên? Vai trò điều tiết thị trường của Tổng Công ty Giấy Việt Nam ở đâu?

Tổng Thư ký VPPA Đặng Văn Sơn khẳng định, “không có chuyện đầu cơ” trong thị trường giấy thời gian vừa qua. Bởi “chẳng kho nào có giấy để bán. Chúng tôi đi mua giấy còn không có thì làm sao có chuyện đầu cơ được?”, ông nhấn mạnh.

Từ nay đến cuối năm, VPPA dự báo tình hình giá giấy sẽ đỡ căng thẳng và bớt khan hiếm hơn và sẽ được duy trì ở mức hợp lý. Trong thời gian ngắn hạn sẽ không tăng đột biến, tuy nhiên giá giấy sẽ vẫn ở mức cao. Chủ tịch VPPA trấn an, “với mức giá bột giấy vào khoảng 550 - 600 USD/tấn đã bảo đảm cho nhà sản xuất có lãi. Trong khi giá bột giấy thế giới hiện vào khoảng 790 - 900 USD/tấn rõ ràng là siêu lợi nhuận. Như vậy, rất có thể thị trường bột giấy sẽ thu hút được nhiều nhà sản xuất tham gia hơn do lợi ích mang lại, khi ấy giá bột giấy cũng như giá giấy sẽ giảm. Điều này có thể xảy ra vào cuối năm nay”.

(Theo "daibieunhandan.vn")

Tin tức khác