Công ty Cổ phần Miza: Bảo đảm sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường
Là một trong những doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực tái chế giấy thải để sản xuất giấy bao bì cung cấp cho các nhà máy bao bì trong và ngoài nước, Công ty CP Miza được thành lập ngày 2/12/2010, với số vốn điều lệ là 10 tỷ đồng tại Cụm công nghiệp Nguyên Khê (Ðông Anh, Hà Nội). Kể từ khi thành lập, Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra định hướng chiến lược phát triển bền vững, nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Những năm đầu mới đi vào hoạt động, Công ty gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về tài chính. Năm 2012, khi biết được Quỹ BVMT TP. Hà Nội có chương trình hỗ trợ tài chính cho các DN, dự án khắc phục ô nhiễm môi trường, Công ty đã tiếp cận để vay và nhận được sự hỗ trợ tài chính của Quỹ. Với nguồn vốn ưu đãi trên, Công ty đã tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, ổn định sản xuất và kinh doanh có lãi, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Năm 2015, Công ty CP Miza đã đầu tư thêm dây chuyền 2, với công nghệ tiên tiến, có hệ thống kiểm soát chất lượng tự động. Đến tháng 3/2017, dây chuyền 2 chính thức đi vào hoạt động, nâng công suất của nhà máy từ 7.500 tấn/năm lên 40.000 tấn/năm, góp phần tăng doanh thu từ 47 tỷ đồng (năm 2012) lên 270 tỷ đồng (năm 2017).
Dây chuyền sản xuất giấy hiện đại của Công ty CP Miza
Với phương châm “Chất lượng tạo nên sự phát triển bền vững”, Công ty đã xây dựng và áp dụng thành công ISO 9001: 2015 - Hệ thống quản lý chất lượng và ISO 14001:2015 - Hệ thống quản lý môi trường. Việc áp dụng hai hệ thống quản lý trên đã giúp Công ty chủ động kiểm soát được quá trình hoạt động sản xuất của nhà máy, từ chất lượng nguyên, vật liệu, thiết bị máy móc đến các vấn đề môi trường. Để đáp ứng yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng và môi trường, Công ty lựa chọn nhập khẩu giấy phế liệu từ các nhà cung ứng quốc tế uy tín, có chất lượng hàng hóa đạt QCVN 33:2010/BTNMT của Bộ TN&MT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu giấy nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Điển hình như các DN: Choyang Industry Co., Ltd (Hàn Quốc), Forestry Asia Resources (Philipin), Peute Papier Recycling (Hà Lan)… Các loại giấy được nhập khẩu chủ yếu là bìa các tông cũ (OCC).
Cùng với chiến lược nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm, Công ty đã tăng cường đầu tư cho công tác BVMT như hệ thống xử lý nước thải với 4 giai đoạn xử lý: Sơ bộ; hóa lý; vi sinh kết hợp giá thể vi sinh MBBR và phương pháp hấp phụ, quản lý bằng hệ thống điều khiển tự động PLC (thiết bị điều khiển lập trình cho phép thực hiện linh hoạt các thuật toán điều khiển logic). Ngoài ra, Công ty cũng đầu tư thiết bị đo chất lượng nước, bảo đảm nước thải sau xử lý đạt QCTĐHN 05:2014/BTNMT của Bộ TN&MT - Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Sau đó, nước thải tiếp tục xả vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của Cụm công nghiệp Nguyên Khê rồi xả ra môi trường.
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty
Với những nỗ lực trong công tác BVMT, thi đua sản xuất, Công ty CP Miza đã đạt được những giải thưởng uy tín do các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước trao tặng như: Chứng nhận “Nhà cung cấp chất lượng” của Viện DN Việt Nam; Giải thưởng “Thương hiệu hàng đầu Việt Nam” của Tổ chức Global GTA (Vương quốc Anh) và Trung tâm Nghiên cứu người tiêu dùng Việt Nam; Chứng nhận “Chỉ số Tín nhiệm xanh” do Tổ chức InterConformity (CHLB Đức) và Trung tâm Đánh giá chỉ số tín nhiệm châu Á Thái Bình Dương… Theo Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Tuấn Minh, việc phát triển thương hiệu xanh thông qua tăng cường sản xuất sạch, tuân thủ các quy định, pháp luật về BVMT là định hướng phát triển bền vững của DN; đồng thời, qua đó, cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho DN. Với phương châm đó, Công ty đã và đang không ngừng nỗ lực, phấn đấu để trở thành DN hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, tái chế giấy tại Việt Nam, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước tiên phải đảm bảo sự an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong quá trình sản xuất thông qua kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu, năng lượng, tài nguyên, chất thải thải ra môi trường.
Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhà máy, nhất là đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để nâng cao hiệu quả xử lý, tuần hoàn tái sử dụng 90% lượng nước thải, tiết kiệm khoảng 8.500 m3 nước sạch/tháng. Mặt khác, Công ty sẽ đầu tư hệ thống tái chế ni lông là rác thải phát sinh trong quá trình tái chế giấy thải, tạo ra các sản phẩm hạt nhựa, góp phần BVMT; thực hiện dự án sản xuất túi đựng hàng tự phân hủy không gây hại môi trường... Để đạt được các mục tiêu trên, Công ty mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của các Sở, ban, ngành nhằm giúp Công ty thực hiện tốt các quy định, pháp luật về BVMT, nâng cao năng suất lao động, đóng góp vào trách nhiệm chung đối với xã hội.
Nguyễn Thanh Giang
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)