Cuộc chơi lớn của 'Thánh Gióng' ngành giấy Miza Corp
Dây chuyền sản xuất giấy của Công ty Cổ phần Miza
Được thành lập tháng 12/2010, CTCP Miza là một trong những đơn vị đầu tiên tại Cụm công nghiệp Nguyên Khê (Đông Anh, Hà Nội), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tái chế giấy thải để sản xuất ra sản phẩm giấy bao bì, bao gói cung cấp cho các nhà máy bao bì cả nước.
Miza khi đó nằm trong số 300 doanh nghiệp lớn nhỏ ngành giấy, và với sản lượng vỏn vẹn vài nghìn tấn, không đáng kể so với tổng sản lượng toàn ngành năm 2018 đạt 3,67 triệu tấn.
Công ty mới thành lập, nguồn lực mỏng lại phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt, Miza đã phải tìm kiếm lối đi cho riêng mình, đó là tập trung nguồn nguyên liệu chính là giấy loại, giấy thu gom vốn có chi phí đầu vào thấp hơn các loại nguyên liệu truyền thống như gỗ; cùng với đó là tranh thủ mọi nguồn lực có thể như vay tiền từ Quỹ Bảo vệ môi trường TP. Hà Nội trong chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, dự án khắc vụ ô nhiễm môi trường.
Năm 2015, Miza đầu tư thêm dây chuyền số 2. Tháng 3/2017, giai đoạn mở rộng nhà máy chính thức đi vào hoạt động và nâng công suất từ 7.500 tấn lên 40.000 tấn/ năm, đẩy doanh thu từ 47 tỷ đồng năm 2012 lên 270 tỷ đồng năm 2017, lãi sau thuế là 14,78 tỷ đồng.
Sau những bước đi vững chãi, Miza bắt đầu tính xa hơn, với tầm nhìn trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tái chế giấy tại Việt Nam. Miza đang đánh vào thị trường ngách của ngành giấy song dư địa phát triển vẫn còn khá nhiều, khi mà đây là lĩnh vực được khuyến khích và tỷ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng 25% so với 38% ở Trung Quốc hay 65% ở Thái Lan.
Để hiện thực hoá tham vọng của mình, điều kiện tiên quyết của Miza là vốn đầu tư. Sản xuất giấy là ngành thâm dụng vốn, nguồn lực càng lớn thì khả năng nâng cấp máy móc, mở rộng sản xuất càng được nâng cao.
Cuối năm ngoái, Miza đã khởi động dự án Nhà máy sản xuất giấy bao bì trên diện tích 8,87 ha tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá) với công suất 100.000 tấn/ năm, tổng vốn đầu tư lên tới 625 tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho nhà máy giấy có quy mô lớn bậc nhất khu vực bắc miền Trung, Miza đã tiến hành tăng vốn liên tục trong hơn một năm qua, từ 66 tỷ đồng lên 297 tỷ đồng tháng 7/2018, lên 372 tỷ đồng tháng 6/2019 và gần đây nhất, trung tuần tháng 8/2019 tăng lên 472 tỷ đồng thông qua phát hành 10 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức.
Để tăng vốn gấp 7 lần chỉ sau 11 tháng, cổ đông lớn nhất và cũng là chủ sở hữu của Miza là ông Nguyễn Tuấn Minh đã chấp nhận mất đi tỷ lệ nắm giữ chi phối, giảm từ 51,82% về còn 35,32%. Dù vậy, doanh nhân sinh năm 1975 hiện vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Miza, trong khi vợ ông - bà Hoàng Thu Giang đảm trách vai trò Phó tổng giám đốc.
Song song với phát hành tăng vốn, Miza cũng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vốn tín dụng ngân hàng, khi liên tục thế chấp một số tài sản có giá trị cao để vay tiền như xe ô tô Land Rover Autobiography có BKS 30E-252.37; Hệ thống DCS công suất 180 tấn/ ngày và hệ thống tách hơi và nước ngưng; Hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là Giấy các loại có giá trị tối thiểu 20 tỷ đồng...
Tuy nhiên, nguồn tin của Nhadautu.vn cho biết Miza có thể đang gặp khó trong nỗ lực thu xếp nguồn vốn để đầu tư vào các dự án mới. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thất bại trong việc phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, dù đã thuê tổ chức tư vấn chuyên nghiệp là CTCP Chứng khoán SSI và đẩy lãi suất huy động lên tới 12% cho năm đầu và 12,5% cho năm còn lại, cao hơn đáng kể mặt bằng hiện nay (10-11%/ năm).
Huy động vốn từ trái phiếu bất thành, trong khi dư địa tín dụng đang hẹp dần, Miza còn một lựa chọn nữa là đại chúng hoá, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán để thu hút nhà đầu tư.
Hướng đi này không phải không có cơ sở. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2018, HĐQT Miza đã đề xuất ĐHĐCĐ uỷ quyền cho HĐQT lựa chọn Sở giao dịch Chứng khoán thực hiện việc niêm yết cổ phiếu.
Cho tới thời điểm hiện tại, Miza vẫn chưa phải là công ty đại chúng, đồng nghĩa với kế hoạch niêm yết cổ phiếu vẫn chưa được thực hiện (hoặc chưa hoàn tất). Dù vậy, sẽ không bất ngờ nếu thời gian tới các sàn chứng khoán Việt chào đón tân binh Miza, bên cạnh nhiều mã cổ phiếu ngành giấy được đánh giá cao như HHP, DHC, GVT...