Công ty cổ phần Miza phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường
Với quan điểm, mục tiêu được xác định rõ là thu gom và xử lý giấy phế liệu trên địa bàn TP. Hà Nội góp phần làm sạch môi trường và tái chế ra sản phẩm giấy bao bì phục vụ cho ngành sản xuất bao bì trên phạm vi cả nước. Trong những năm qua, Công ty Cổ phần Miza đã không ngừng đầu tư, mở rộng phát triển, bảo đảm họat động sản xuất kinh doanh có lãi, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; đáp ứng yêu cầu công tác BVMT, góp phát triển KT - XH địa phương.
Có thể nói, những năm đầu mới đi vào hoạt động tái chế giấy thải, với một dây chuyền công suất nhỏ và công nghệ cũ, Công ty Miza đối mặt rất nhiều khó khăn để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra, trong đó đặc biệt gặp khó khăn về nguồn vốn. Năm 2012, khi biết được Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Nay là Quỹ đầu tư phát triển TP. Hà Nội) có chương trình hỗ trợ tài chính cho các dự án khắc phục ô nhiễm môi trường và giải quyết các vấn đề môi trường cục bộ ảnh hưởng đến môi trường chung trên địa bàn TP. Thấy chương trình này phù hợp với mục tiêu chiến lược, Công ty đã tiến hành tiếp cận nguồn vốn và nhận được sự hỗ trợ tài chính của Quỹ, bước đầu Công ty được giải quyết cho vay 10,179 tỷ đồng. Với nguồn vốn ưu đãi này, Công ty tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, ổn định sản xuất và kinh doanh có lãi, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 50 người lao động với thu nhập khá.
Từ hiệu quả sử dụng dòng vốn trong giai đoạn I, năm 2015 Công ty CP Miza đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất thêm dây chuyền 2 với công nghệ tiên tiến hàng đầu khu vực các tỉnh phía Bắc, có hệ thống kiểm soát chất lượng tự động và công suất xử lý đạt 150 tấn giấy phế liệu/ngày, hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Cùng với sự tin tưởng, đồng hành, giúp đỡ của Quỹ BVMT Hà Nội, Công ty được vay ưu đãi 88 tỷ đồng để thực hiện dự án. Đến tháng 3/2017, dây chuyền 2 của Công ty chính thức đi vào hoạt động, nâng công suất của nhà máy từ 7.500 tấn/năm lên 40.000 tấn/năm; doanh thu năm 2012 chỉ 47 tỷ đồng, năm 2016 là 114 tỷ đồng, năm 2017 là 270 tỷ đồng và dự kiến năm 2018 sẽ đạt 625 tỷ đồng. Nếu như năm 2012, Công ty nộp NSNN chỉ với 70 triệu đồng thì đến năm 2017 Công ty đã nộp NSNN hơn 11 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 130 người lao động với mức thu nhập bình quân gần 7 triệu đồng/tháng.
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay của Quỹ, hoạt động SX - KD của Công ty đã phát triển không ngừng, kinh doanh có lãi, mức độ đóng góp vào ngân sách ngày càng tăng, giải quyết được ngày càng nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Cùng với đó, bước đầu Công ty đã xử lý được một khối lượng tương đối lớn lượng giấy phế thải do các hoạt động SX - KD và sinh hoạt thải ra môi trường để tái chế, hạn chế hoạt động phá rừng lấy gỗ làm nguyên liệu sản xuất giấy, hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của Thủ đô. Đồng thời, Công ty cũng đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển KT - XH của huyện Đông Anh nói riêng và của TP. Hà Nội nói chung.
Hệ thống xử lý nước thải đạt Tiêu chuẩn môi trường của Công ty CP Miza
Tiếp bước những thành công, năm 2018, Công ty Miza sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhà máy, nhất là đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để nâng cao hiệu quả xử lý, tuần hoàn tái sử dụng tới 90% lượng nước thải, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước khoảng 8.500m3 nước sạch/tháng. Công ty cũng đang nghiên cứu đầu tư hệ thống tái chế nylon, là rác thải phát sinh trong quá trình tái chế giấy thải, tạo ra các sản phẩm hạt nhựa với công suất dự kiến: 2.500 tấn/năm, góp phần BVMT; Nghiên cứu dự án sản xuất túi đựng hàng tự phân hủy không gây hại môi trường... Các dự án này dự kiến được thực hiện trong năm 2018 với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay đề xuất từ Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội là 28 tỷ đồng. Để các chương trình kế hoạch của Công ty bảo đảm thực hiện được, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, quan tâm giúp đỡ, đầu tư cho vay vốn ưu đãi từ phía Quỹ.
Theo giám đốc Công ty CP Miza Nguyễn Tuấn Minh: “Đối với các doanh nghiệp có dự án sử dụng vốn một cách hiệu quả thì Quỹ cũng nên có cơ chế linh động hơn và phù hợp như: Cơ cấu vốn vay để giảm khó khăn cho doanh nghiệp; sử dụng các hình thức tài sản đảm bảo phong phú, linh hoạt, tăng tín chấp để giảm tỷ lệ tài sản đảm bảo; bảo đảm tiến độ giải ngân theo đúng tiến độ dự án; giảm tỷ lệ lãi suất cho vay so với thời điểm hiện nay… để hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp ngày một phát triển. Đặc biệt tạo điểm nhấn quan trọng trong việc phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT của Thủ đô”.
Theo Tạp chí Tài nguyên và môi trường "http://vnmonre.vn/cong-ty-co-phan-miza-phat-huy-hieu-qua-nguon-von-dau-tu-cho-hoat-dong-bao-ve-moi-truong"