Quốc hội Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc
Chính quyền Trump tung ra các biện pháp với Trung Quốc gần như mỗi ngày. Tất cả đều liên quan đến Bắc Kinh theo cách này hay cách khác, thường là thông qua việc gia tăng hạn chế đối với một số khía cạnh của mối quan hệ, từ việc thêm các công ty Trung Quốc vào Danh sách Thực thể - tập hợp các tổ chức, cá nhân được tin là có liên quan hay tham gia vào các hoạt động đi ngược với an ninh quốc gia hay lợi ích đối ngoại của Mỹ.
Nhà Trắng cũng ra lệnh trục xuất và trừng phạt Bắc Kinh vì thông qua luật an ninh quốc gia với Hong Kong.
Không chỉ từ Nhà Trắng
Ở đầu kia của đại lộ Pennsylvania, Điện Capitol cũng gia tăng các hoạt động với Trung Quốc. Trong một số khía cạnh, Quốc hội thứ 116 của Mỹ được cho là cứng rắn hơn với Trung Quốc so với bất kỳ khóa nào trước đó.
Quốc hội Mỹ đóng vai trò quan trọng trong chính sách Trung Quốc hàng thập kỷ qua, nổi bật với Đạo luật Quan hệ Đài Loan (1979), các lệnh trừng phạt sau sự kiện 1989 và quyết định bình thường hóa quan hệ thương mại vĩnh viễn với Trung Quốc năm 1999. Một số đạo luật quan trọng không nhắm đích danh Trung Quốc nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ song phương.
Hai ví dụ cụ thể gần đây là Đạo luật Hiện đại hóa Đánh giá Rủi ro Đầu tư Nước ngoài (FIRRMA) năm 2018 và Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu (ECRA) năm 2018. Cả hai đều được thông qua như một phần của Đạo luật Cấp phép Quốc phòng John S. McCain cho năm tài khóa 2019, nhằm cập nhật các quy định liên quan đến sàng lọc đầu tư và xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm.
Trung Quốc không được nêu đích danh trong đạo luật, nhưng việc đóng khung và soạn thảo cả hai đều được thực hiện với sự lưu ý về Bắc Kinh.
Hai năm qua chứng kiến một bước nhảy vọt trong các hoạt động của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc. Cách rõ nhất để thấy điều này là theo dõi các đạo luật liên quan đến Trung Quốc, bằng cách truy cập cơ sở dữ liệu từ Congress.gov.
Các con số thống kê là đáng kinh ngạc: Ít nhất 366 dự luật có nội dung liên quan đến Trung Quốc đã được đưa ra kể từ đầu Quốc hội thứ 116, bắt đầu làm việc từ tháng 1/2019. Số này không bao gồm 75 nghị quyết không ràng buộc khác liên quan đến Trung Quốc.
Hầu hết dự luật đề cập đến một vấn đề cụ thể, nhưng một số khác đề cập tới nhiều chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trọng tâm lớn nhất là thương mại, giao dịch và đầu tư. Những dự luật được đề xuất bao gồm nhiều khía cạnh, từ an ninh chuỗi cung ứng, quốc phòng và an ninh quốc gia, nhân quyền cho đến virus corona và nhập cư.
Một điểm nhấn lớn là sự gia tăng tần suất các dự luật chống Trung Quốc. Chỉ trong 6 tháng qua, đã có một làn sóng các dự luật như vậy được Quốc hội đề xuất và thảo luận, bắt đầu với một bước nhảy vọt vào tháng 3, và sau đó là gia tăng đột biến vào tháng 5.
Phần lớn những dự luật này được đưa ra sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, bao gồm việc quy trách nhiệm cho Trung Quốc cho sự bùng phát, và để nhằm giải quyết sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở nước này, cũng như mở rộng năng lực sản xuất nội địa của Mỹ.
Sự gia tăng đột biến các dự luật phản ảnh nỗi quan ngại về Trung Quốc ngày càng lớn trong nhiều khía cạnh của chính sách đối ngoại cũng như đời sống Mỹ, cùng với đó là việc các thành viên nghị viện sẽ phải tham gia nhiều hơn vào chính sách Trung Quốc vì điều đó liên hệ trực tiếp đến sự nghiệp chính trị của họ.
Các nghị viên đảng Cộng hòa có phần tích cực hơn trong việc đề xuất các dự luật chống Trung Quốc, so với những đồng nghiệp đảng Dân chủ, đặc biệt là kể từ tháng 5 trở lại đây.
Sự gia tăng này được lý giải một phần bởi việc thành lập Nhóm Công tác Trung Quốc của đảng Cộng hòa ở Hạ viện, nhằm thúc đẩy sự phối hợp của các nghị sĩ trong việc đưa ra và thông qua các dự thảo luật.
Tác dụng thế nào?
Mặc dù đã có bước nhảy vọt về số lượng các dự luật được thành viên cả 2 đảng đề xuất, nhưng không có sự gia tăng tương đương trong số các dự luật được thông qua và ban hành. Trong 366 dự luật được đưa ra, chỉ có 19 được thông qua bởi Hạ viện, và chỉ có 12 văn bản nhận được sự phê duyệt của cả Hạ viện và tổng thống.
Tất nhiên, một số dự luật riêng lẻ được đề xuất cuối cùng sẽ được tập hợp lại thành dự luật lớn hơn, hoặc một văn bản khác của chính phủ, và vẫn còn thời gian để một số dự luật được thông qua trong kỳ làm việc lần này của Quốc hội Mỹ.
Mặc dù vậy, câu chuyện thực tế là có nhiều ý tưởng được đề xuất hơn là thông qua, và có thể mô tả việc này qua một câu thành ngữ của người Trung Quốc: sấm to nhưng mưa nhỏ.
Nhưng cũng phải nói rằng toàn bộ 12 dự thảo luật được thông qua đều có tác động lớn đến Trung Quốc. Đạo luật An ninh 5G năm 2019 sẽ thúc đẩy việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ vào các nhà cung cấp không đến từ Trung Quốc.
Theo Washington Post, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài khóa 2020, được thông qua tháng 12/2019, có 200 lần đề cập tới Trung Quốc trong báo cáo và bao gồm một lượng lớn các biện pháp chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong khi đó, hai đạo luật về Hong Kong cho thấy mối quan tâm của Washington với thành phố này được chia sẻ bởi cả nhánh hành pháp và lập pháp cũng như của hai đảng, vì vậy người ta có thể kỳ vọng một sự phản đối lâu dài của Mỹ khi quyền tự trị của đặc khu bị xâm phạm.
Điều này là đáng nói khi Trung Quốc trở thành chủ đề đồng thuận lớn nhất giữa phe Cộng hòa và Dân chủ trong bối cảnh sự chia rẽ chính trị xảy ra gần như ở tất cả lĩnh vực khác.
Mặc dù phần lớn các dự luật được đề xuất không tìm được đường tới bàn làm việc của ông Trump, nhưng Quốc hội đang ngày càng có ảnh hưởng nhiều hơn đến chính sách Trung Quốc của Mỹ.
Hơn nữa, sự quan tâm của các nhà lập pháp với Trung Quốc khó có thể suy giảm, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng hoạt động này sẽ gia tăng trong những năm tới.
Điều này không chỉ được phản ánh trong các đạo luật và nghị quyết đã được ban hành và thông qua, mà còn trong các phiên điều trần nhằm làm sáng tỏ các vấn đề.
Do đó, sấm sét mà chúng ta chứng kiến năm nay rất có thể sẽ được tiếp diễn bằng một trận mưa lớn trong kỳ làm việc thứ 117 của Quốc hội Mỹ, bắt đầu vào tháng 1 năm sau.