NGÀNH GIẤY VIỆT NAM TRƯỚC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI FTA

NGÀNH GIẤY VIỆT NAM TRƯỚC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI FTA

Ngày đăng: 12/11/2016 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành

Từ trước đến nay, thực trạng của ngành giấy vẫn là nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ, sản phẩm không đạt chất lượng, phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Vì thế, đứng trước các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nếu muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp ngành giấy phải có những nỗ lực để thay đổi.

    Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tháng 5/2015, Việt Nam đã xuất khẩu 49,2 triệu giấy và sản phẩm từ giấy, giảm nhẹ so với tháng 4/2015, giảm 2,5%, tính chung từ đầu năm cho đến hết tháng 5, xuất khẩu giấy và sản phẩm đã thu về  200,4 triệu USD, giảm 2,49% so với cùng kỳ năm trước.

    Việt Nam xuất khẩu giấy tới 17 quốc gia trên thế giới,tuy nhiên trong 5 tháng 2015, xuất khẩu giấy sang thị trường chủ lực lại giảm kim ngạch, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 23,5% thị phần, tương đương với 47,1 triệu USD, nhưng tốc độ xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh nhất trong số những thị trường chủ lực, giảm 13,02%. Kế đến là thị trường Đài Loan giảm 0,52% và Nhật Bản giảm 2,11%, tương đương với 30 triệu USD và 29,6 triệu USD.

    Nhìn chung, 5 tháng 2015, xuất khẩu giấy và sản phẩm giảm ở hầu hết các thị trường, số thị trường có tốc độ tăng trưởng dương chỉ chiếm 47%, trong đó xuất sang thị trường Hongkong tăng mạnh nhất, tăng 194,57% mặc dù kim ngạch chỉ đạt 4,7 triệu USD, ngược lại xuất sang thị trường Trung quốc giảm mạnh nhất, giảm tới 73,04% so với cùng kỳ 2014.

Thị trường xuất khẩu giấy và các sản phầm từ giấy từ tháng 05/2015

    Xuất khẩu như vậy, nhưng ngược lại Việt Nam cũng phải nhập tới 174,5 triệu USD trong tháng 5/2015, tăng hơn 3,5 lần trị giá hàng xuất khẩu.  Theo báo cáo từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, trong  năm 2014, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,5 triệu tấn giấy và các sản phẩm từ giấy, trong khi xuất khẩu chỉ vẻn vẹn 133 nghìn tấn. Có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của ngành này có sự chênh lệch rõ rệt và ngành giấy Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

    Nguyên nhân của vấn đề trên là do các doanh nghiệp giấy của Việt Nam thường nhỏ lẻ, máy móc thiết bị thiếu và yếu, đa phần là máy cũ nên chất lượng giấy không thể đạt như các nước khác, kể cả một số nước trong khối ASEAN.

    Trong các FTA, đáng chú ý nhất đối với ngành giấy là việc ký kết thành lập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm nay và đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu các mặt hàng giấy và sản phẩm từ giấy từ các nước trong khối về 0%. Đây là điều rất đáng ngại và sẽ gây ra sự cạnh tranh khốc liệt đối với ngành giấy trong nước do có đến 50% lượng giấy của Việt Nam được nhập khẩu từ ASEAN.

    Lộ trình cắt giảm thuế vừa là cơ hội để doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ nhưng lại đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong thị trường nội địa. Nguyên nhân vì chất lượng mặt hàng giấy từ các nước như Indonesia, Thái Lan đều tốt hơn Việt Nam mà giá thành tương đương. Mặt hàng giấy của doanh nghiệp Việt Nam tuy thuận lợi hơn khi tiết kiệm được chi phí vận chuyển nhưng thường sản xuất nhỏ lẻ, trong khi hàng của các nước khác được sản xuất hàng loạt, với số lượng lớn nên chi phí sẽ bù lại phí vận chuyển để đưa ra giá thành rất cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước.

    Tuy nhiên, điều đáng nói là các doanh nghiệp giấy Việt Nam vẫn chưa nắm được rõ những cơ hội, thách thức hay những quy định đến từ FTA. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi tỏ ra khá bất ngờ về những điều chỉnh thuế suất liên quan đến ngành giấy trong FTA và thường lấy lý do là doanh nghiệp nhỏ, chỉ tiêu thụ nội địa nên không mấy quan tâm.

    Trước tình hình trên, các doanh nghiệp giấy Việt Nam bắt buộc phải có kế hoạch để cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, nếu không, khi hàng hóa các nước trong khối ASEAN tràn vào, sản phẩm giấy của nước ta chắc chắn sẽ lâm vào thế yếu. Sắp tới, hướng đi của các doanh nghiệp là cải thiện hệ thống sản xuấ, máy móc để nâng cao về số lượng và chất lượng cho sản phẩm giấy. Tuy nhiên, để làm được những công việc này, các doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ về vốn và những cải thiện của Nhà nước về việc cung cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị.

Tin tức khác