Báo Trung Quốc: Các ông lớn thời trang thế giới đang chọn Việt Nam để sản xuất giày dép
Gần đây, các giám đốc ngành sản xuất hàng thời trang đã mất kha khá thời gian và công sức để "đoán" xem Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm tiếp theo. Các thương hiệu sẽ phải thực sự tập trung vào các vấn đề cũng như các xu hướng hiện tại.
Ngày 1/10/2019, ông Trump đã bắn một phát súng khác vào các trung tâm sản xuất của Trung Quốc khi tăng thuế quan hiện có đối với các mặt hàng, có tổng trị giá 250 tỷ USD, từ 25 đến 30%.
Thêm một danh mục hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc cũng bị đánh thuế ở mức 15% - và phần lớn tập trung vào may mặc. Điều này đã gây rắc rối lớn cho nhiều thương hiệu thời trang đang sản xuất hàng hóa của họ ở Trung Quốc và tiếp thị sản phẩm của họ ở thị trường Mỹ.
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, các thương hiệu như Uniqlo, Levi, Crocs, Ralph Lauren, Calvin Klein và Tommy Hilfiger đã đồng loạt chuyển toàn bộ cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.
Chính trị không phải là yếu tố duy nhất - chi phí lao động tăng cao và sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài ngày càng rõ rệt đã khiến các công ty cảm thấy "mệt mỏi" với Trung Quốc ngay cả trước khi cuộc thương chiến xảy ra.
Sean Coxall, lãnh đạo Công ty quản lý chuỗi cung ứng Li & Fung nói: "Chúng tôi đã làm việc với các khách hàng quan trọng trong kế hoạch dự phòng kể từ khi ngài Trump vào Nhà Trắng, và bất kỳ công ty nào không chuẩn bị trước cho những thay đổi do ông chủ Nhà Trắng đặt ra, theo tôi, đều khá "ngu ngốc". Tổng thống Donald Trump, như ta đã thấy, ông ta đã nói là làm, thì đâu có lý do gì để ông ta ngại một cuộc chiến thương mại?".
Cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc ngày càng kịch tính, các chuỗi sản xuất đang di chuyển mạnh mẽ, mặc dù rất ít trong số họ đang coi Mỹ là điểm đến cuối cùng, dù ngài Trump muốn vậy.
"Tất cả các công ty đều lo lắng và hồi hộp, nhưng dù thế thì họ cũng không có ý định về Mỹ", Matt Priest - Chủ tịch Hiệp hội nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ nói. "Mặc dù vậy, chuỗi cung ứng không thể thay đổi liên tục để theo kịp các quyết định chính trị. Vì thế cho dù các thành viên hiệp hội của chúng tôi đã bắt đầu rời đi từ khá sớm, thì khoảng 70% sản phẩm của họ vẫn được sản xuất ở Trung Quốc".
"Theo hầu hết các dữ liệu, Trung Quốc có thể vượt Mỹ, trở thành thị trường thời trang lớn nhất thế giới vào năm 2020. Vì vậy, một số thương hiệu Trung Quốc thật ra chẳng quan tâm lắm đến những gì đang diễn ra ở Mỹ, vì nó không còn là trung tâm của toàn ngành", Weyan Lui, thuộc công ty nghiên cứu L2 nhận định. "Tuy nhiên, bất kỳ thương hiệu Trung Quốc nào có lợi ích ở Mỹ đều sẽ bị ảnh hưởng bởi điều này, và đều lo ngại về việc tăng giá mạnh sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng tại Hoa Kỳ của họ".
Đối với bất kỳ thương hiệu thời trang nào quan tâm đến thuế quan, lựa chọn duy nhất là chuyển sản xuất ra nước ngoài, và một số quốc gia châu Á đang tỏ ra rất hấp dẫn. Nổi bật là Việt Nam, từ lâu đã là lựa chọn hợp lý - đặc biệt khi nói đến mặt hàng giày dép.
Việt Nam có thương mại tự do với nhiều thị trường cuối cùng bao gồm 28 quốc gia thuộc EU, Úc, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore.
Công nhân có tay nghề cao, và trong khi tiền lương ở mức 216 USD một tháng, chưa bằng một nửa so với Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng đang được hoàn thiện và không giống như ở một số nước trong khu vực, điện vẫn rẻ một cách hợp lý nhờ trợ cấp của Chính phủ.
Coxall nói, Việt Nam là sự lựa chọn tuyệt vời đối với việc sản xuất các mặt hàng hóa có giá trị cao và chắc chắn là một thị trường sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc: "Tôi có thể nói rằng tại thời điểm này, Bangladesh có lợi thế về may mặc và Việt Nam có lợi thế về giày dép; họ sản xuất một lượng giày dép cao hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác ở Đông Nam Á. Họ cũng sản xuất giày dép chất lượng rất cao, đó là lý do tại sao Uniqlo sản xuất tất cả giày dép tại Việt Nam mặc dù họ chủ yếu dựa vào Bangladesh cho mọi sản phẩm khác".
Theo Trí thức trẻ/South China Morning Post