BƯỚC TIẾN PHI THƯỜNG TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM - EU
Giorgio Aliberti
Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam
- Ông Giorgio Aliberti đảm nhận vị trí Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam từ tháng 9/2019, trong bối cảnh Việt Nam và EU vừa ký hiệp định thương mại tự do (EVFTA), hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) và hiệp định khung về tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA). Đại sứ Giorgio Aliberti trước đây là phó Vụ trưởng phụ trách châu Á và châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Italy. Ông từng làm đại sứ Italy tại Mianma. Bài viết dành riêng cho Zing.
Việc Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) sáng 8/6 là một thành quả lịch sử.
Điều này cho thấy một bước tiến phi thường trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, đồng thời là cách thể hiện phù hợp nhất đối với dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao. Liệu có món quà kỷ niệm nào cho cả hai chúng ta đẹp hơn là đặt những nền móng sâu rộng thêm cho tương lai?
EVFTA dự kiến đi vào hiệu lực vào mùa hè năm nay. Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực ngay lập tức cho các doanh nghiệp ở cả Việt Nam và châu Âu.
71% HÀNG VIỆT NAM XUẤT SANG EU GIẢM THUẾ
Kể từ ngày hiệu lực đầu tiên, việc cắt giảm thuế quan - đôi khi có thể là rất đáng kể, trong khoảng 25% - sẽ áp dụng cho 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng nhập khẩu của EU từ Việt Nam. Gần như toàn bộ các mức thuế khác sẽ dần được được loại bỏ sau 10 năm.
Điều này nghe có vẻ kỹ thuật đối với một người bình thường. Với những doanh nhân dù là nam giới hay nữ giới của chúng ta, điều đó có nghĩa là sự cắt giảm đáng kể chi phí và kết quả là sẽ có nhiều tiền hơn trong túi của họ.
Như chúng ta đều biết, bất kỳ sự giảm thuế và thuế quan nào, giống như một sự giải cứu trong nỗ lực ứng phó với sự sụp đổ kinh tế trong đại dịch COVID-19, đều là một yếu tố quan trọng nhằm tái khởi động các nền kinh tế của chúng ta.
Do đó, Hiệp định Thương mại Tự do là nhân tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng khả năng phục hồi của các nền kinh tế chúng ta. Đừng quên rằng người tiêu dùng Việt Nam sẽ có sự lựa chọn phong phú hơn và cơ hội mua sản phẩm chất lượng hàng đầu với giá cả hợp lý từ EU.
Việc loại bỏ thuế quan song phương và thuế xuất khẩu, cùng với việc giảm các hàng rào phi thuế (NTBs) có ảnh hưởng đến việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, được dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại song phương một cách đáng kể.
(Hiệp định Thương mại Tự do là nhân tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng khả năng phục hồi của các nền kinh tế chúng ta)
Giá trị xuất khẩu ước tính sẽ tăng thêm khoảng 8 tỷ euro vào năm 2035 cho các công ty EU, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự kiến sẽ tăng 15 tỷ euro.
Xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tăng khoảng 18% theo một nghiên cứu về tác động kinh tế năm 2018. Tuy nhiên, những con số này không thể hiện được hết nhiều lợi ích có tính động sẽ mang lại cho các nền kinh tế và xã hội của cả hai phía.
Một thực tế được biết tới rộng rãi là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường theo sau quan hệ thương mại mạnh mẽ. Ở chiều ngược lại, nhiều vốn FDI hơn lại có khả năng làm gia tăng tiềm năng thương mại giữa các đối tác.
Trên tiến trình đáng kinh ngạc của mình để trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam hiện nhận ra rằng nếu không có thêm nguồn vốn FDI thì tiềm năng trở thành một trung tâm khu vực và một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu có thể bị hạn chế.
Như đã được minh chứng rõ ràng trong đại dịch này, nhiều công ty Việt Nam phải chịu sự phụ thuộc nặng nề vào một số lượng rất hạn chế các quốc gia. Các nhà sản xuất giày dép và dệt may đã ghi nhận sự thiếu hụt đầu vào.
Các nhà sản xuất phụ tùng, cao su và nhựa cho xe hơi tại Việt Nam đã mất đi thị trường phục vụ cung ứng cho ngành sản xuất xe hơi tại Hàn Quốc.
CƠ HỘI ĐA DẠNG HÓA CHUỖI CUNG ỨNG
Cùng với Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam, những sự gián đoạn ngày hôm nay cũng có thể là cơ hội để tổ chức lại các quan hệ thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ muốn xem xét liệu họ có khả năng đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của mình và sự hội nhập của họ vào các chuỗi giá trị hay không. Việt Nam có thể đa dạng hóa tốt hơn nhiều và nhờ đó trở nên ít bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tương lai.
Cả hai hiệp định đều mang đến cho Việt Nam cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực. So với các nền kinh tế ngang hàng trong khu vực, Việt Nam có lợi thế đầu tiên là có từ 7-10 năm vàng với đặc quyền tiếp cận vào thị trường EU. Chỉ có Singapore, nước đã ký kết và phê chuẩn FTA trước Việt Nam, ở vào vị trí thuận lợi tương tự.
Với nền tảng của các thỏa thuận kinh tế mới với Liên minh châu Âu, sự lựa chọn các đối tác châu Âu mới sẽ là điều hiển nhiên và là cơ hội mở cho các nhà sản xuất Việt Nam.
Điều này mang lại thêm các cơ hội và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương và các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thành các công ty toàn cầu.
(Việt Nam có thể đa dạng hóa tốt hơn nhiều và nhờ đó trở nên ít bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tương lai)
Có khả năng và cũng là mong muốn rằng cả hai hiệp định với Liên minh châu Âu sẽ kích hoạt một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mới từ EU vào Việt Nam. Đầu tư từ EU có chất lượng hàng đầu. Các công ty châu Âu mang các kỹ năng cao, kinh nghiệm tốt nhất về tổ chức và các công nghệ hàng đầu thế giới đến Việt Nam.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu đi kèm với các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo vệ và đào tạo công nhân và nhân viên, cũng như việc tôn trọng và bảo vệ môi trường.
Nó cho phép Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm tốt hơn đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững. Những tác động lan tỏa này rất cần thiết cho các nền kinh tế như Việt Nam nhằm tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Những hiệu ứng tích cực này tất nhiên sẽ chỉ thành hiện thực nếu những lời hứa và nghĩa vụ trong các thỏa thuận được nhanh chóng đưa vào thực tế. Các cán bộ hải quan, cơ quan quản lý, các cơ quan thực thi sẽ phải nhận thức được các quy tắc mới này và tuân thủ chúng trong các tiếp xúc hàng ngày của họ với các nhà nhập khẩu và nhà phân phối.
Điều này có thể dẫn tới những thay đổi đối với các cách thức làm việc hiện tại. Lợi ích của các hiệp định này sẽ phụ thuộc trực tiếp vào mức độ minh bạch và khả năng đoán định về hành vi của chính phủ trong tiếp xúc với doanh nghiệp. Người kinh doanh và nhà đầu tư rất nhút nhát và họ có thể bỏ chạy đến nơi khác nếu môi trường kinh doanh tổng thể không thuận lợi và ổn định.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 cho thấy một số điểm yếu trong tiến trình hướng tới toàn cầu hóa không kiểm soát. Tất cả chúng ta phải học bài học của mình và tìm ra biện pháp khắc phục phù hợp nhất.
Nhưng nếu chúng ta tin rằng tương lai là sự đóng cửa phía sau những rào cản quốc gia, chúng ta sẽ có nguy cơ bỏ lỡ những cơ hội to lớn đi kèm với sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.
Giảm sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ khiến mọi người trở nên nghèo hơn. Nếu bạn xem xét kỹ hơn các đặc điểm về tính bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế của chúng ta thì sự phụ thuộc lẫn nhau lớn hơn lại thực sự là một tình huống đôi bên cùng có lợi.
Trên thực tế, Việt Nam sẽ giảm được tính dễ bị tổn thương bằng cách tham gia nhiều hơn cùng với châu Âu.
Đây chính là con đường phía trước và là tinh thần của hai hiệp định thương mại và đầu tư vừa được Quốc hội phê chuẩn, thực sự sẽ đặt những nền móng rất vững chắc để châu Âu và Việt Nam có thể tăng cường quan hệ hơn nữa.
Theo Zing