COVID-19 KHIẾN NĂM 2020 SẼ LÀ NĂM ĐẦY BẤT ỔN ĐỐI VỚI KINH TẾ THẾ GIỚI
Nhiều nền kinh tế lớn đang lao đao khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế toàn cầu nhuốm màu u ám
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt khoảng 2,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2008 khi mà các thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính.
Tăng trưởng đã giảm khoảng 6,3% trong quý IV/2019 so với cùng kỳ năm trước tại Nhật Bản. Tại Đức, sản lượng công nghiệp đã giảm mạnh 3,5% trong tháng 12/2019. Tình hình tại Pháp cũng không sáng sủa khi chứng kiến tăng trưởng âm trong quý IV/2019 và con số sản lượng công nghiệp rất tồi tệ khi giảm tới 2,6%.
Các nền kinh tế lớn khác cũng đang phải đối mặt với những khó khăn riêng. Nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có vẻ như vẫn kiên cường chống đỡ. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP thực tế khoảng 2,1% trong quý IV/2019 chưa đủ để tạo nên một “cú hích”. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã chứng kiến tăng trưởng giảm xuống chỉ còn 6% vào quý IV/2019, mức thấp nhất trong vòng 27 năm qua.
Theo tờ Financial Times của Anh, với việc nợ đã ở mức cao kỷ lục, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 càng làm tăng nguy cơ khủng hoảng tín dụng trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp.
Cú sốc mà dịch Covid-19 gây ra đối với các thị trường trên toàn thế giới diễn ra đúng lúc tình hình tài chính nguy hiểm do vòng xoáy nợ toàn cầu. Theo Viện Tài chính Quốc tế, tỷ lệ nợ toàn cầu trên GDP trong quý III/2019 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, trên 322%, tương đương gần 253.000 tỷ USD. Nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan, bất kỳ nguy cơ đổ vỡ nào trong hệ thống tài chính đều có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng nợ mới.
Hậu quả khó lường từ Covid-19
Hậu quả của dịch bệnh này đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ rất lớn nhưng không thể đánh giá chính xác vào thời điểm này, đặc biệt khi xét tới “sức nặng” của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Trong đại dịch SARS hồi năm 2003, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 8,5% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện nay đã tăng lên gần 20%.
Thứ nhất, đang có những hậu quả ngay lập tức khi nhiều nơi phải đóng cửa một loạt các ngành công nghiệp. Sản xuất bị lao dốc, sức tiêu thụ nguyên liệu thô cũng giảm sút. Nếu theo đúng dự đoán, GDP của Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ bị giảm 2 điểm phần trăm và điều này đồng nghĩa GDP toàn cầu cũng bị giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm.
Tác động trực tiếp đối với các quốc gia như Pháp, Nga, hiện đang xuất khẩu và chiếm lượng lớn sản xuất hydrocacbon, là rất dễ nhận thấy. Đối với Pháp, tác động còn nghiêm trọng hơn với sự sụt giảm của ngành du lịch và tiêu dùng.
Thứ hai, hoạt động sản xuất bên ngoài "công xưởng Thế giới" cũng bị ảnh hưởng bởi giá trị gia tăng được sản xuất ở châu Âu đều có liên quan đến Trung Quốc. Khoảng 60-80% dược chất trong các sản phẩm của ngành dược được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Tương tự, trong ngành xe hơi, rất nhiều bộ phận như bình ắc quy cho các xe điện hay các linh kiện điện tử... cũng được sản xuất ở Trung Quốc. Vì vậy, ngoài những cú sốc trực tiếp thì còn cả những cú sốc gián tiếp. Các chuỗi giá trị cho thấy sự hiện diện của Trung Quốc trong sản xuất toàn cầu chứ không chỉ trong các sản phẩm được sản xuất tại nước này.
Cuối cùng, sẽ có cú sốc về “sự trì hoãn”. Đối với các nước đang bị ảnh hưởng (như Hàn Quốc, Italy và thậm chí cả Mỹ), tác động trực tiếp của dịch bệnh này cũng như các hiệu ứng hoảng loạn do nó gây ra sẽ tạo hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất. Các quốc gia bị ảnh hưởng bên ngoài Trung Quốc sẽ chứng kiến sản xuất bị sụt giảm trong quý II/2020.
Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ rõ, dịch bệnh có thể khiến kinh tế thế giới bị sụt giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.
Ngoài ra, dịch bệnh này cũng có thể gây ra những hậu quả tài chính nghiêm trọng. Rất nhiều công ty sẽ đối mặt với vấn đề về dòng tiền do doanh thu sụt giảm. Điều này sẽ gây ra nguy cơ “nợ xấu” đối với các ngân hàng. Các công ty bảo hiểm cũng sẽ phải đền bù cho các khách hàng về rủi ro dịch bệnh.
Để hỗ trợ nền kinh tế, các ngân hàng trung ương buộc phải duy trì tỷ lệ lãi suất thấp. Mặc dù vậy, hiệu quả tăng cường sản xuất sẽ không cao. Otmar Issing, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết, lãi suất của ngân hàng trung ương thấp kéo dài cũng có những hậu quả rộng lớn vì chúng dẫn đến việc phân bổ vốn không chính xác.
Điều này giúp các ngân hàng và công ty “xác sống" (Zombie) - những công ty mà lợi nhuận không đủ để trả lãi – tiếp tục sống. Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về sự ổn định tài chính toàn cầu chi tiết điểm này bằng một mô phỏng cho thấy một cuộc suy thoái nghiêm trọng bằng một nửa cuộc khủng hoảng 2009 đã có thể làm cho các công ty đang có nợ đọng khoảng 19.000 tỷ USD không có đủ lợi nhuận để trả nợ.
Theo TGVN