Điều gì xảy ra khi Nhân dân tệ rớt ngưỡng 7 đổi 1 USD?
Cuộc đấu trí giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục những diễn biến mới. (Ảnh minh hoạ)
Chỉ chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế thêm 10% lên 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, Đồng Nhân dân tệ (NDT) đã rớt ngưỡng 7 đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008. Điều này diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư suy đoán Trung Quốc sẽ để đồng nội tệ suy yếu nhằm bù đắp phần nào tác động tiêu cực từ lời đe dọa áp thuế của ông Donald Trump.
Theo nhận định của giới chuyên gia, ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD là mốc tâm lý quan trọng, mà có lẽ bằng nhiều biện pháp, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã “cố thủ” suốt một năm qua.
Song khi các nhà đầu tư nhận thấy triển vọng bế tắc của thương chiến, họ đã không chờ đợi được thêm nữa. Việc Nhân dân tệ mất giá trong bối cảnh FED hạ lãi suất cũng cho thấy đây giống như phản ứng của thị trường hơn là can thiệp của PBoC.
Ở thị trường nước ngoài, giá tị Đồng Nhân dân tệ (NDT) cũng giảm mạnh trong ngày 5/8, có lúc giảm đến 1,9% về mức 7,1114 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Đồng Nhân dân tệ rớt ngưỡng 7 đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008 sau lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Bloomberg)
Trong khi đó, tại Việt Nam, một số ý kiến cho rằng, việc để Đồng Nhân dân tệ (NDT) đã rớt ngưỡng 7 đổi 1 USD là điều PBoC chủ động làm, và có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh tiền tệ để đối phó với thuế nhập khẩu cao.
Song theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES), khi đề cập tới chiến tranh tiền tệ, dư luận cần có định nghĩa rõ ràng về cụm từ này.
“Giả sử chúng ta định nghĩa chiến tranh tiền tệ là một cuộc đua phá giá đồng tiền, sẽ chẳng bên nào được lợi. Với điều kiện kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc, phá giá nội tệ không phải bài toán tối ưu để giải quyết thương chiến”. TS. Phạm Sỹ Thành cho biết.
Theo ông Thành, một yếu tố ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá của Trung Quốc là tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, có 3 “vũ khí” đang được Mỹ sử dụng, khiến Trung Quốc rơi vào hoàn cảnh bất lợi. Đồng thời, đẩy tâm lý các nhà đầu tư vào Trung Quốc vào trạng thái bất an.
“Mỹ đang dần đẩy Trung Quốc ra khỏi nền kinh tế Mỹ, khiến Trung Quốc không thể hưởng lợi từ thị trường và công nghệ Mỹ. Tiếp theo, Mỹ đang chia tách Trung Quốc khỏi các hệ sinh thái do Mỹ làm chủ, dựa trên hệ thống luật pháp của Mỹ. Cuối cùng, thông qua nhiều biện pháp, Mỹ đang khiến thị trường Trung Quốc trở nên rủi ro trong mắt nhà đầu tư.
Nhà đầu tư rất quan tâm tới triển vọng thị trường đầu tư, và không ai bỏ vốn vào một thị trường tồn tại rủi ro về pháp lý, lãi suất và vấn đề hoàn thuế. Trung Quốc rất lo lắng, Đồng Nhân dân tệ rớt ngưỡng 7 đổi 1 USD có thể kích hoạt một làn sóng rút vốn mới (capital outflow - PV), làm đồng Nhân dân tệ chìm sâu hơn nữa. Đồng Nhân dân tệ chìm sâu khiến dòng vốn trong ngắn hạn lại chảy ra ngoài mạnh hơn. Để chặn đứng đà mất giá đó, PBoC rất có thể phải hy sinh dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá, như cách họ đã mất 1.000 tỷ USD để ổn định tỷ giá Nhân dân tệ giai đoạn 2015-2016. Đó là lý do Trung Quốc không dám phá giá Đồng Nhân dân tệ”, TS. Phạm Sỹ Thành phân tích.
Theo TS. Phạm Sỹ Thành, đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá sẽ không làm tăng gánh nặng trả nợ của Trung Quốc, bởi nợ nước ngoài của Trung Quốc chiếm 10% tổng nợ, trong đó vay nợ bằng USD không nhiều.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES). (Ảnh: Internet)
Một yếu tố khác liên quan tới tỷ giá Nhân dân tệ là trái phiếu Chính phủ Mỹ. Theo đó, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, nếu Trung Quốc bán trái phiếu Chính phủ Mỹ với số lượng lớn, có thể đẩy lãi suất lên cao và gây thiệt hại đáng kể đến nền kinh tế Mỹ.
Song theo TS. Phạm Sỹ Thành, việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ, ngược lại, sẽ khiến lãi suất giảm xuống, giá trị thu về trong các đợt bán trái phiếu tiếp theo Trung Quốc thu về sẽ giảm đi.
“Sau khi Trung Quốc bán trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ thu về USD, khiến đồng Nhân dân tệ tăng giá, rồi xuất khẩu Trung Quốc bị giảm cạnh tranh. Giả sử Trung Quốc bán được toàn bộ lô trái phiếu Chính phủ Mỹ trong lần bán đầu tiên, thì đồng USD thu về sẽ mang lại rủi ro tỷ giá cho Trung Quốc. Trong khi tài sản phòng ngừa rủi ro của PBoC là trái phiếu lại giảm đi một lượng đáng kể. Đồng thời, làm suy yếu đòn bẩy tài chính của Trung Quốc và tầm ảnh hưởng của họ trên trường quốc tế”, TS. Phạm Sỹ Thành cho hay.
Về phía Mỹ, động thái hạ lãi suất USD của FED sẽ khiến đồng USD yếu đi, những sẽ tạo tác động hỗ trợ đối với tăng trưởng kinh tế, gia tăng số lượng việc làm và giá trị xuất khẩu.
“Tổng thống Donald Trump có thể mong muốn một đồng USD yếu để hỗ trợ cho nền kinh tế hơn một đồng USD mạnh. Ngoài ra, việc phá giá nội tệ rất khó diễn ra ra Mỹ do tính chất độc lập trong mối quan hệ giữa FED và ông Trump. Động thái hạ lãi suất của FED dựa trên quan sát kinh tế nhiều hơn, với mong muốn sớm đối phó với suy thoái kinh tế Mỹ”, TS. Phạm Sỹ Thành nói.