Nhiều kiến nghị hỗ trợ ngành giấy- Họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều kiến nghị hỗ trợ ngành giấy- Họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày đăng: 27/03/2020 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành

Chính sách có đến được với doanh nghiệp?

Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc; đại diện các các hiệp hội: Dệt may Việt Nam, Da giày và túi xách Việt Nam, Giấy và Bột giấy Việt Nam, Vận tải Việt Nam, Ô-tô Việt Nam, Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Bất động sản Việt Nam, Logistics Việt Nam; Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp ứng phó, phòng chống dịch bệnh quyết liệt, cụ thể, đồng bộ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, cuối tháng 3 này, dự kiến Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về bốn nội dung trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc, dừng sản xuất do dịch bệnh và bảo đảm an ninh trật tự.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thiệt hại nặng nề do tác động của dịch bệnh, nhất là khối doanh nghiệp vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, logistics…

“Các chính sách hỗ trợ có đến được với doanh nghiệp không, đến được mức độ nào?”, Bộ trưởng đặt vấn đề và cho biết buổi làm việc với các hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm lắng nghe, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải để có cơ sở tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp, chỉ đạo kịp thời.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Tổ công tác sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất các giải pháp hết sức cụ thể, không chung chung, đồng thời phải hết sức khẩn trương; các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội cũng phải kịp thời trình Quốc hội.

Kiến nghị nhiều chính sách gắn liền doanh nghiệp ngành giấy

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, TS. Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành giấy bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đồng thời có nhiều kiến nghị cụ thể, thiết thực dành cho các doanh nghiệp trong ngành.

TS. Đăng Văn Sơn kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy do ảnh hưởng của dịch.

Cụ thể, trước thực trạng nguyên liệu khan hiếm, chuỗi cung ứng quốc tế đang bị ùn ứ, không có cont. để xếp hàng, không có tàu để vận chuyển, cước vận chuyển tăng cao trong giai đoạn qua đã đẩy giá nguyên liệu giấy thu hồi nhập khẩu cao gấp đôi thời điểm tháng 12 năm 2019. Cước phí vận tải nguyên liệu từ nước ngoài về Việt Nam đã tăng gấp gần 4 lần so với đầu tháng 01/2020.

Cùng với đó, TS. Đặng Văn Sơn cũng chỉ rõ việc áp dụng mức thu phụ phí lưu huỳnh thấp (phí LSS – Low Sulfur Surcharge) từ các hãng vận tải hàng hóa bằng đường biển tại thời điểm hiện nay là chưa hợp lý, nhất là khi giá dầu thế giới đang xuống mức thấp, chi phí nhiên liệu trong tổng chi phí chạy tàu giảm nhiều so với trước đây…

Do đó, Hiệp hội kiến nghị Tổ Công tác của Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến đối với Hiệp hội vận tải biển, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, các hãng vận tải biển cũng như các Cảng vụ hàng hải có chính sách giảm phí vận chuyển tàu biển và dịch vụ cảng xuống 50%; Gia hạn, giảm thu phụ phí lưu huỳnh trong thời điểm hiện nay.

Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép doanh nghiệp giãn nộp thuế VAT sau khi thông quan hàng hóa nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư thiết bị và hóa chất ngành giấy thay cho quy định doanh nghiệp phải nộp thuế VAT ngay tại thời điểm thông quan.

Đồng thời, miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 (nếu chưa nộp) với thời hạn 6 tháng cho doanh nghiệp ngành giấy mà không tính phí chậm nộp.

Đối với vấn đề bảo hiểm xã hội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị tại cuộc họp, xem xét giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho 6 tháng đầu năm 2020 đến cuối năm cho tất cả các doanh nghiệp mà không cần có bất kỳ điều kiện nào. Đồng thời, giảm 30-50% khi doanh nghiệp có 50% số lao động đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc do covid-19 gây ra. Dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lương cho lao động nghỉ việc của doanh nghiệp.

Riêng đối với khối ngân hàng, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị cần cơ cấu lại nợ cũ, giảm từ 1-1,5% lãi vay ngắn và trung hạn. Gói vay mới giảm từ 1,5-2% so với lãi vay tại thời điểm hiện nay. Giảm lãi suất vay và kéo dài thời gian ân hạn cho vốn vay đầu tư trong ngành giấy.

Ngoài ra, tại cuộc họp với Tổ Công tác của Thủ tướng, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng có nhiều kiến nghị khác như Chính phủ đưa ra các quyết định cắt giảm bớt thủ tục hành chính và đẩy nhanh quá trình thông quan, không tổ chức kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện./.

Theo VPPA

Tin tức khác