Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (17/9-24/9): Giá vàng bị 'thổi bay' 100 USD, Nước Mỹ không cần thêm gói kích thích kinh tế

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (17/9-24/9): Giá vàng bị 'thổi bay' 100 USD, Nước Mỹ không cần thêm gói kích thích kinh tế

Ngày đăng: 24/09/2020 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (23/7-30/7): Vàng tăng trở lại sau quyết định của Fed

Kinh tế toàn cầu

Ba phiên mất 100 USD, giá vàng thế giới thấp nhất hai tháng

Vàng đã để mất mốc 1.900 USD một ounce. Chốt phiên ngày 23/9, trên thị trường thế giới mỗi ounce vàng giao ngay mất gần 40 USD, xuống 1.863 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Phiên sáng nay, giá tiếp tục đi xuống, hiện giao dịch quanh 1.856 USD. Như vậy, chỉ trong ba phiên, giá vàng đã đã bị "thổi bay" 100 USD.

Nhà phân tích tại Standard Chartered - Suki Cooper đưa ra nhận định, "Ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật sắp tới của vàng sẽ là quanh 1.840 USD một ounce. Tuy nhiên, vàng có vẻ đang tiến gần vùng quá bán".

Dollar Index - đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hôm qua chạm đỉnh 8 tuần. Chứng khoán Mỹ thì giảm sau số liệu cho thấy hoạt động kinh doanh tại nước này đi xuống trong tháng 9. "Bất ổn trong dài hạn vẫn còn. Vì thế, nhà đầu tư sẽ không bỏ qua cơ hội mua vàng khi giá thấp", Chiến lược gia tại Blue Line Futures Phillip Streible cho biết, "Nhà đầu tư đang dõi theo các động thái mới nhất từ các ngân hàng trung ương lớn, bởi hiện tại, hầu hết chính sách tiền tệ và tài khóa đã được thực hiện". (Reuters)


Suy thoái toàn cầu hậu Covid-19 không như dự báo

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, suy thoái toàn cầu trong năm nay sẽ không sâu như dự kiến nhờ các quốc gia nỗ lực chống lại cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, sự phục hồi trong năm 2021 vẫn sẽ thấp hơn so với dự báo. Theo OECD, GDP toàn cầu sẽ giảm 4,5% trong năm nay và quay trở lại tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2021. Trong bản dự báo trước đó, hồi tháng 6, tổ chức này đã ước tính GDP toàn cầu sẽ giảm 6% vào năm 2020 và phục hồi tăng trưởng 5,2% vào năm tới.

Tuy nhiên, OECD cũng nhấn mạnh, triển vọng đưa ra không dễ đạt được và phụ thuộc rất lớn một loạt yếu tố như: mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch Covid mới, các biện pháp hạn chế nào sẽ được áp dụng, việc triển khai vaccine, chính sách tài khóa, tiền tệ đối của các nước… Dự báo cho thấy, Trung Quốc là nền kinh tế G20 duy nhất có GDP dự kiến tăng trưởng dương (ở mức 1,8%) vào năm 2020, trong khi tăng trưởng của Mỹ dù cải thiện nhưng vẫn ở mức giảm 3,8%, khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng cải thiện, ở mức giảm 7,9%. Các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ và Mexico đều được dự báo giảm ở mức 10,2%, Nam Phi giảm 11,5%. (OECD)


Lần đầu tiên sau 60 năm châu Á tăng trưởng âm

Trong Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) năm 2020, Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) dự báo các nền kinh tế đang phát triển khu vực châu Á sẽ tăng trưởng âm (-) 0,7% trong năm nay, lần đầu tiên sau 60 năm; khoảng 3/4 nền kinh tế trong khu vực dự kiến ​​sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020.

Báo cáo nhận định đại dịch Covid-19 kéo dài, căng thẳng địa chính leo thang của xung đột thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến triển vọng tăng trưởng của khu vực trong năm nay và năm 2021. Để giảm thiểu tác động, chính phủ các nước trong khu vực đã triển khai nhiều chính sách ứng phó trên phạm vi rộng, bao gồm các gói hỗ trợ chính sách lên tới 3,6 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 15% GDP khu vực. Khu vực Đông Nam Á dự báo sẽ suy giảm 3,8% trong năm 2020, trước khi tăng trưởng 5,5% trong năm 2021. Lạm phát của các nước đang phát triển trong khu vực được dự báo giảm xuống 2,9% trong năm nay từ mức 3,2% dự báo hồi tháng 4, do giá dầu tiếp tục thấp và sức cầu yếu. Lạm phát cho năm 2021 dự kiến ​​sẽ giảm xuống 2,3%. (ADB)


Mỹ-Trung Quốc

Theo phân tích của Dự án Đầu tư Mỹ-Trung, tổng khoản đầu tư trực tiếp và đầu tư mạo hiểm giữa hai quốc gia này ở mức 10,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020, thấp nhất kể từ 6 tháng cuối năm 2011, nhưng khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ ở mức 4,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, vẫn tăng từ mức 3.4 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Đà tăng đến từ khoản đầu tư 3.4 tỷ USD của Tencent Holdings tại Universal Music Group. Tổng giá trị giao dịch vẫn còn thấp khi Mỹ áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động đầu tư của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. (Bloomberg)


Mỹ

Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn trước thềm phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, nền kinh tế nước này sẽ chỉ phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khi người dân cảm thấy đủ an toàn để nối lại các hoạt động bình thường. Ngày 21/9, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, nước Mỹ đang có một sự “phục hồi tự thân mạnh mẽ” và có thể không cần thêm các biện pháp kích thích. Ông Kudlow cho hay, ông không nghĩ rằng việc phục hồi sẽ phụ thuộc vào gói hỗ trợ mới đó. (Washington Post)


Sau cuộc họp chính sách ngày 17/9, các quan chức Fed phát tín hiệu không nâng lãi suất cho đến năm 2023, đồng thời cam kết hỗ trợ thêm cho một nền kinh tế đang đối mặt với sự hồi phục không đồng đều từ đại dịch Covid-19.

Fed cho biết sẽ duy trì lãi suất gần 0% “cho đến khi các điều kiện của thị trường lao động chạm tới mức toàn dụng nhân công (maximum employment), đồng thời lạm phát tăng lên mức 2% và có thể vượt ngưỡng 2% ở mức vừa phải trong một khoảng thời gian (some time)”. Ngoài ra, các quan chức cũng điều chỉnh dự báo GDP Mỹ giảm 3.7% trong năm 2020 (giảm yếu hơn so với ước tính 6.5% của tháng 6/2020), sau đó tăng trưởng 4% trong năm 2021; Tỷ lệ thất nghiệp đạt 7.6% trong năm 2020 (thấp hơn ước tính 9.3% của tháng 6), 5.5% trong năm 2021; Lạm phát tính từ chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đạt 1.2% trong năm 2020 (cao hơn ước tính 0.8% của hồi tháng 6/2020), 1.7% trong năm 2021; Lãi suất quỹ liên bang (Fed fund rate) dài hạn đạt 2.5%, không thay đổi so với tháng 6/2020. (WSJ)


Trung Quốc

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) mới đây cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), vị trí trước đây thuộc về Mỹ. Cụ thể, nhập khẩu của EU từ Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020 đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập của EU từ Mỹ trong cùng kỳ giảm 11,7%. Theo Eurostat, xuất khẩu của EU sang Trung Quốc giảm nhẹ 1,8% trong khi xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm 9,9%. (THX)


Ngày 21/9, Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng 3 khu thương mại tự do (FTZ) thí điểm mới ở thủ đô Bắc Kinh, Tỉnh Hồ Nam và An Huy.

Trong những năm gần đây Trung Quốc thiết lập các FTZ ở nhiều tỉnh trên toàn quốc trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, kích thích thương mại và thúc đẩy phát triển khu vực. Trong danh sách cập nhật nhất đưa ra trong tháng 8/2020, Trung Quốc phê duyệt 6 FTZ, bao gồm một khu ở Quảng Tây có nhiệm vụ trở thành “Cửa ngõ của Trung Quốc kết nối Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Khu công nghiệp Khâm Châu Trung Quốc – Malaysia nằm trong khu thương mại tự do Khâm Châu, cùng với Nam Ninh, Sùng Tả (giáp biên giới với Việt Nam) hình thành lên khu thương mại tự do Quảng Tây. FTZ thí điểm ở Caofeidian thuộc thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, ưu tiên phát triển thương mại hàng hóa quốc tế và thu hút thêm đầu tư nước ngoài. (SCMP)


Châu Âu

EU dự kiến sẽ phát hành lượng trái phiếu xanh tương đương cả thế giới hồi năm ngoái nhằm đánh giá mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với xu thế dịch chuyển sang mô hình kinh tế sạch hơn. Khối lượng trái phiếu trị giá 225 tỉ Euro sẽ đưa châu Âu từ gương mặt mới trở thành người chơi lớn nhất trong thị trường này những năm tới.

Trong bối cảnh chưa có định nghĩa rõ ràng về trái phiếu xanh, tiêu chí của EU nhiều khả năng sẽ trở thành chuẩn mực cho các nước khác noi theo. Kế hoạch này được đánh giá là chiến thắng lớn cho ngành công nghiệp xanh, chỉ bốn năm sau khi trái phiếu chính phủ xanh đầu tiên được phát hành. Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ là phép thử xem liệu loại trái phiếu này có hấp dẫn được các quỹ đầu tư chính thống ngoài Châu Âu, hay chỉ thu hút được sự quan tâm hạn chế của một số nhà đầu tư chuyên biệt. (Strait Times)


Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết, kinh tế khu vực đang hồi phục nhưng quá trình này vẫn còn bất trắc, chưa đầy đủ và phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. ECB sẽ bơm 1,35 nghìn tỉ Euro tiền mới vào nền kinh tế dưới hình thức trái phiếu từ giờ đến cuối năm. Đây là gói kích thích tiền tệ quy mô lớn nhằm ngăn chặn dịch bệnh gây ra những xáo trộn trong thị trường tài chính và duy trì lãi suất cho vay thấp đối với doanh nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng. (AP)


Viện Nghiên cứu IFO vừa đưa ra dự báo, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ sụt giảm tăng trưởng 5,2% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo ban đầu là 6,7%, một dấu hiệu cho thấy thiệt hại do Covid-19 gây ra có thể nhỏ hơn những lo ngại trước đây. “Mức độ suy giảm trong quý II và tốc độ hồi phục vừa qua đều khả quan hơn những dự báo ban đầu,” kinh tế trưởng của IFO cho biết.

Đối với năm 2021, IFO đã giảm mức dự báo từ 6,4% xuống còn 5,1%. Con số này năm 2022 sẽ là 1,7%. Số lượng người thất nghiệp dự kiến tăng lên 2.7 triệu người so với 2,3 năm ngoái trước khi giảm xuống 2,6 triệu trong năm 2021 và 2,5 triệu trong năm 2022. Tuy nhiên IFO cũng cảnh báo tính chính xác của các dự báo này không cao do còn nhiều biến số khó lường như tình hình lây nhiễm của bệnh dịch, Brexit và các tranh chấp thương mại chưa được giải quyết. (Reuters)


Nhật Bản-Hàn Quốc

Một ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhậm chức, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, dễ dàng với các chương trình cho vay khẩn cấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Quyết định này được đưa ra sau khi kết thúc phiên họp kéo dài 2 ngày của Hội đồng Chính sách BoJ. Theo đó, BoJ đã quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở mức khoảng 0%. (Mainichi, Nikkei Asia Review)

Chỉ số CPI cơ bản của Nhật Bản, gồm các sản phẩm dầu nhưng không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, đã giảm 0,4% trong tháng 8/2020 so với một năm trước đó, đây là mức giảm nhanh nhất trong gần 4 năm qua. Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 16/9 đã cam kết kiềm chế Covid-19 và duy trì các chính sách tăng trưởng "Abenomics" của Thủ tướng tiền nhiệm, đồng thời thúc đẩy các cải cách như số hóa và cắt giảm quy định hành chính. (Nikkei Asia Review)


OECD cho biết, nền kinh tế Hàn Quốc có khả năng suy giảm đến 1% trong năm 2020, cao hơn so với dự báo gần nhất trong tháng 8 là suy giảm 0,8%. Tuy nhiên, đây được coi là triển vọng khả quan nhất trong số 37 nước thành viên OECD (Nhật Bản giảm 5,8%; Đức giảm 5,4%; Hoa Kỳ giảm 3,8%). (Yonhap News)

Chánh Văn phòng đàm phán thương mại thuộc Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc Yoo Myung Hee đã vượt qua vòng một trong cuộc đua tranh cử chức Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và sẽ cùng cựu Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia Mohammed Al-Tuwaijri, cựu Bộ trưởng Văn hóa Kenya Amina Mohamed và quan chức cấp cao của WB người Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala tiếp tục cạnh tranh để ghi tên vào vòng ba của cuộc tranh cử. (Yonhap)

Tin tức khác