Liên doanh Tập đoàn giấy Lee & Man và Hokuetsu muốn đầu tư 3 tỷ USD vào Khu kinh tế Vũng Áng
Chiều 10/9, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Lee & Man (Hồng Kông) và Hokuetsu (Nhật bản) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất nghiên cứu, khảo sát xây dựng một tổ hợp cảng biển, khu logistic, khu công nghiệp sản xuất giấy quy mô lớn với công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Theo đó, 2 tập đoàn này muốn xây dựng cảng biển nước sâu với 6 cầu tàu, đảm bảo tiếp nhận tàu 300.000 tấn; xây dựng khu Logistic giao nhận các mặt hàng khô từ Việt Nam, Lào, Campuchia; phát triển Khu công nghiệp giấy gồm: 1 nhà máy sản xuất giấy Tissue công suất 1 triệu tấn/năm và các Nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ cho ngành giấy, công nghiệp cảng biển, công nghiệp logistic…
Tổng diện tích cho dự án mà nhà đầu tư muốn nghiên cứu, khảo sát là 6.000 ha, bao gồm: diện tích nhà máy 1.400 ha; khu Logistic 600 ha; diện tích mặt biển: 4.000 ha. Tổng mức đầu tư cho dự án 3 tỷ USD, thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Tiến độ thực dự án được gồm làm 2 giai đoạn, theo dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian 4 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giai đoạn 1 từ 2019 – 2021: Công suất đạt 500.000 tấn/năm; Giai đoạn 2: từ 2021 – 2023 nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm.
Khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, đóng góp ngân sách nhà nước ước tính 150 triệu USD/năm.
Theo đại diện Tập đoàn giấy Lee & Man và Hokuetsu, khi tìm hiểu xác định đầu tư vào Hà Tĩnh, doanh nghiệp cam kết sẽ đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại nhất, đặc biệt lưu tâm đến vấn đề môi trường và đáp ứng tối đa các tiêu chuẩn cao nhất trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với nhà đầu tư tại buổi làm việc, các sở ngành tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, dự án còn nhiều vấn đề cần thêm thời gian để nghiên cứu về tính khả thi và xem xét có phù hợp để đầu tư vào KKT Vũng Áng hay không.
Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng, nhà đầu tư cần tìm hiểu thêm về các lĩnh vực Hà Tĩnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng.
“Theo đề xuất của nhà đầu tư thì diện tích cho dự án là quá lớn trong khi tỷ suất đầu tư nhỏ, giải quyết nguồn lao động thấp. Doanh nghiệp cũng chưa đề cập đến việc đầu tư xây dựng cảng biển và logistic có trong dự án. Do đó, chưa có cái nhìn tổng quan chi tiết về dự án”, ông Thắng cho hay.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Trần Tú Anh cũng cho rằng, dự án xây dựng nhà máy giấy chưa phải là ưu tiên của Hà Tĩnh tại Khu kinh tế Vũng Áng giai đoạn tới, mà ưu tiên cho các ngành hỗ trợ sau thép và phát triển hệ thống cầu cảng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh, hiện nay Hà Tĩnh đặc biệt đề cao đến vấn đề môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn.
“Quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh là dứt khoát không đánh đổi môi trường để làm kinh tế. Trong quy hoạch chung giai đoạn tới, Hà Tĩnh hướng đến phát triển xanh và bền vững”, ông Sơn thông tin.
Về tính khả thi của dự án đầu tư vào KKT Vũng Áng, ông Sơn cho rằng nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ hơn về quỹ đất, diện tích mặt biển.
Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn: Quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh là dứt khoát không đánh đổi môi trường để làm kinh tế.
Theo ông Sơn, nếu so sánh với đại dự án Formosa (FHS) thì diện tích mặt biển phía Tập đoàn Lee & Man và Hokuetsu đề xuất là 4.000 ha xây dựng 6 cầu cảng, trong khi đó FHS sử dụng 1.300 ha xây dựng 32 cầu cảng; FHS giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động thì dự án này mới chỉ được 3.000 lao động.
“Tại buổi làm việc này 2 bên đều chưa thống nhất được các yêu cầu đưa ra. Do đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ hơn các vấn đề về nguyên liệu, công nghệ, môi trường…và có văn bản trả lời các vấn đề vướng mắc liên quan đến dự án”, ông Sơn kết luận.
Tập đoàn Hokuetsu được thành lập ngày 27/4/1907 có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Hiện tập đoàn này có 22 công ty con bao gồm ở Nhật và nước ngoài với gần 4.800 nhân viên chính thức và gần 1.600 lao động không chính thức. Hiện Hokuetsu tập đoàn lớn nhất tại Nhật Bản chuyên sản xuất bột giấy và giấy cung cấp thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tập đoàn giấy Lee & Man được thành lập vào năm 1994, mã chứng khoán 2314.HK. Vốn hóa thị trường của Lee & Man Paper là 4,92 tỷ USD.
Tập đoàn giấy Lee & Man là một trong những nhà máy sản xuất giấy lớn nhất với công suất 7 triệu tấn/năm. Hiện tập đoàn này có 5 nhà máy sản xuất giấy tại Trung Quốc.
Mới đây, Tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất giấy bao bì cao cấp với sản lượng 420.000 tấn/năm trên diện tích đất 41,9ha tại tỉnh Hậu Giang có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.