Mỹ muốn bơm 25 tỷ USD để rút các doanh nghiệp khỏi Trung Quốc
Theo Reuters, các nhà lập pháp Mỹ và quan chức chính quyền đang vạch ra kế hoạch để thúc đẩy các công ty Mỹ dịch chuyển dây chuyền sản xuất hoặc các chuỗi cung ứng quan trọng ra ngoài Trung Quốc bằng nhiều biện pháp hấp dẫn, trong đó có giảm thuế, các quy định mới và các trợ cấp được tính toán cẩn thận.
Reuters đã phỏng vấn hàng chục quan chức chính phủ đương nhiệm cũng như cựu quan chức và giám đốc điều hành các công ty lớn trong ngành, bên cạnh các nhà lập pháp. Theo đó, đang diễn ra các cuộc thảo luận rộng rãi - bao gồm cả ý tưởng về một quỹ 25 tỷ USD để đầu tư vào các công ty muốn cải tổ mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Tổng thống Trump từ lâu đã cam kết sẽ đưa hoạt động sản xuất từ nước ngoài về Mỹ, nhưng sự xuất hiện của virus corona và những lo ngại liên quan đến sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng y tế và thực phẩm đang thúc đẩy kế hoạch này diễn ra nhanh hơn.
Hôm 14/5, ông Trump đã ký một sắc lệnh cho phép cơ quan đầu tư nước ngoài của chính quyền những quyền hạn mới, nhằm giúp đỡ các công ty Mỹ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Theo tổng thống, mục tiêu của sắc lệnh là để Mỹ có thể sản xuất mọi thứ mà nước này cần, và sau đó là để xuất khẩu ra thế giới, bao gồm cả dược phẩm.
Nhưng các quan chức trong chính quyền vẫn đang chia rẽ về cách tiến hành hiệu quả nhất kế hoạch này, và vấn đề khó có thể giải quyết một sớm một chiều, cũng như việc chính phủ chi thêm tiền vào lúc này khó có thể được đưa ra thảo luận vào đợt kích thích tài khoá tiếp theo, do ưu tiên vào lúc này là vực dậy nền kinh tế trong nước.
Các nhà lập pháp cả 2 đảng đang lập ra các dự thảo luật nhằm làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc, vốn chiếm 18% lượng hàng hoá nhập khẩu vào nước này trong năm 2019. Chuỗi cung ứng y tế và các sản phẩm liên quan đến quốc phòng nằm đầu danh sách này.
Một ý tưởng đang được thảo luận ở Washington là phân bổ 25 tỷ USD cho các công ty sản xuất hàng hoá thiết yếu để dịch chuyển, đảm bảo rằng cá sản phẩm ở xa chuỗi cung ứng cũng có nguồn gốc từ Mỹ, theo 2 quan chức chính quyền được Reuters phỏng vấn.
Theo ZING