Sẵn lợi thế, kinh tế Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'vượt ải' Covid-19
Động lực tăng trưởng đến từ đâu?
Với con số xuất siêu 9 tháng đạt gần 17 tỷ USD, các chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất khẩu sẽ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm nay.
Cùng với đó, sau hơn 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, đã có gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi các nước EU đã được cấp. Các mặt hàng được cấp mẫu này chủ yếu gồm: giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan, nông sản, hàng điện tử...
Chỉ tính riêng tháng 8/2020, khi Hiệp định EVFTA được thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7/2020. Đến tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh lên 14,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Bộ Công Thương, ngoài thị trường EU, trong 9 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,73 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp đến là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Điểm nổi bật là khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tạo động lực cho sự tăng trưởng xuất khẩu với kim ngạch đạt 71,4 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ sự phục hồi khả quan của nhu cầu quốc tế và hiệu ứng tích cực của Hiệp định EVFTA. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ chốt đã tăng trở lại như: gỗ tăng 12,4%, gạo tăng 12%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 2,8%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) Nguyễn Thị Hương nhận định, trong các ngành, lĩnh vực có đóng góp chính cho tăng trưởng 9 tháng đầu năm phải kể đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, ngành bán buôn và bán lẻ cũng đóng góp tích cực cho tăng trưởng với mức tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2019.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát sẽ có nhiều thay đổi; đồng thời, dịp lễ, Tết đang đến gần nên dự báo nhu cầu hàng hóa sẽ tăng cao. Hơn nữa, thương mại điện tử sẽ không lấy mất thị phần của hệ thống bán lẻ truyền thống mà là điểm cộng cho nhà bán lẻ biết nắm bắt thời cơ.
Một khu vực cũng đóng góp lớn cho tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2020 là nông nghiệp. Mặc dù chịu tác động kép do khó khăn đầu ra xuất khẩu, thiên tai khắc nghiệt, nhưng ngành nông nghiệp đã có sự phục hồi tích cực, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung, cao hơn mức đóng góp 4% của cùng kỳ năm 2019.
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, mặc dù trong 9 tháng lĩnh vực nông nghiệp tăng 1,84%, thấp hơn mức tăng 2,02% của cùng kỳ năm 2019, song cải thiện so với mức tăng 1,19% của 6 tháng đầu năm nhờ các biện pháp ứng phó kịp thời với thiên tai và dịch bệnh.
Giải ngân vốn đầu tư cũng là một trong những động lực tăng trưởng GDP năm 2020 và các năm tiếp theo bởi 9 tháng đầu năm 2020 đạt 303.000 tỷ đồng, bằng gần 60% kế hoạch năm và tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng cao nhất nhất trong 5 năm qua, tạo sự hỗ trợ, lan tỏa cho nhiều khu vực kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cùng với đó, các ngành tài chính, ngân hàng cũng có xu hướng phục hồi, tạo tiền đề quan trọng cho quý IV/2020 và cả năm 2020.
Nắm bắt cơ hội, vượt khủng hoảng Covid-19
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tới tinh thần “tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước”.
“Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy trong quý II/2020 và đang phục hồi theo hình chữ V. Cùng với đó, tăng trưởng trong quý III đạt 2,62% là cơ sở để nhận định rằng chúng ta có thể tăng trưởng dương trong năm 2020”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, những thành công trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới ghi nhận.
Nhiều Tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và mới đây là Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings đã đưa ra những dự báo khả quan với nhận định: Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phục hồi tăng trưởng khá nhất trong khu vực Đông Nam Á và là nền kinh tế duy nhất có thể tăng trưởng dương trong năm nay. Năm 2021, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,1%, S&P dự báo Việt Nam tăng trưởng 11,2%.
Với tinh thần tự lực, tự cường và nắm bắt cơ hội kinh tế thế giới phục hồi sau dịch, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt từ 2,5 đến 3%, dự kiến năm 2021 đạt 6,7%.
Để đạt được mục tiêu trước mắt trong quý cuối cùng của năm và năm 2021, theo Viện Đào tạo và nghiêu cứu BIDV, những động lực cho tăng trưởng chính của Việt Nam theo hướng tập trung chủ yếu vào khu vực nông nghiệp; đồng thời, công nghiệp chế biến, chế tạo trong các ngành sản xuất thiết bị điện tử, máy tính, điện thoại di động, sản xuất và lắp ráp ô tô vẫn sẽ là động lực cho tăng trưởng khu vực công nghiệp nói riêng và tăng trưởng nói chung. Sản xuất, xuất khẩu nông sản và thiết bị điện tử, điện thoại, máy vi tính có thể bù đắp cho khó khăn đối với những ngành vốn là thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, da giày do suy giảm cả nguồn cung và cầu từ các đối tác quốc tế.
Theo bà Phó Thị Kim Chi, Phó trưởng ban Dự báo Kinh tế vĩ mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo, năm 2021, với nền tảng vĩ mô khá ổn định và được đánh giá cao trong kiểm soát và đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và kinh doanh quốc tế. Đây là một yếu tố quan trọng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và xung đột thương mại có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển vốn sang các thị trường tiềm năng.
Việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA cũng là điều kiện để Việt Nam có thể mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Nhận định về xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, xu hướng này đem đến cho Việt Nam cơ hội mới. Tuy nhiên, Việt Nam cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để thu hút đầu tư nước ngoài.
(theo TTXVN)