Tác động hai mặt của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến Việt Nam
Ông Chua Hak Bin (ngoài cùng bên trái) trong hội nghị Invest Asia 2019 tại Singapore.
Chuyên gia của Maybank Kim Eng nhận định, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gây nhiều tổn hại cho thương mại và đầu tư toàn cầu, gây nhiều xáo trộn đối với các chuỗi cung ứng.
Hầu hết các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ, áp dụng mạng lưới cung ứng linh hoạt hơn và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN sẽ có lợi khi các công ty đa quốc gia áp dụng chiến lược ‘Trung Quốc + 1’ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ”, ông Chua Hak Bin nhận xét.
Trao đổi tại hội nghị Asia Invest 2019 tổ chức tại Singapore mới đây, kinh tế trưởng của Maybank Kim Eng khẳng định: ""Việt Nam đang nổi lên như một nước hưởng lợi lớn từ sự phá vỡ chuỗi cung ứng tập trung quá nhiều vào Trung Quốc như hiện nay.”
Minh chứng rõ ràng nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và điều chỉnh trong bốn tháng đầu năm nay đạt 7,45 tỷ đô la, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn góp, mua cổ phần trong thời gian này cũng đạt 7,1 tỷ USD, tăng hơn ba lần.
Một số dữ liệu vĩ mô gần đây đã chỉ ra rằng Việt Nam đang hưởng lợi từ sự thay đổi lớn này.
Xuất khẩu tăng trưởng tích cực ở mức 5,1% trong quý đầu năm trái ngược hoàn toàn với sự sụt giảm đang diễn ra ở tất cả các nước còn lại của châu Á, bao gồm Singapore (-8,9%), Thái Lan (-1,6%) và Hàn Quốc (-8,5%), tính theo mệnh giá đô la Mỹ.
Đối với những lĩnh vực thuộc diện bị xem xét và quy định bởi hàng rào thuế quan [cao hơn] áp dụng bởi chính quyền Mỹ lên các sản phẩm từ Trung Quốc, trong đó bao gồm các mặt hàng trong lĩnh vực dệt may, đồ gỗ, các linh kiện máy tính và điện tử, điện thoại.
Các mặt hàng như dệt may, đồ gỗ, các linh kiện máy tính và điện tử, điện thoại thuộc diện bị xem xét và quy định bởi hàng rào thuế quan cao hơn áp dụng bởi chính quyền Mỹ lên các sản phẩm từ Trung Quốc nhưng xuất khẩu từ Việt Nam tăng mạnh, cho thấy Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự chuyển hướng nhu cầu và xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, ông Hak Bin chia sẻ.
“Chúng tôi cho rằng FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tăng mạnh và hỗ trợ tăng trưởng GDP trong năm 2019,” vị chuyên gia khẳng định, đồng thời cho rằng ảnh hưởng bất lợi đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể được giảm bớt do sự dịch chuyển và đa dạng hóa trong hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu.
Trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, từ đầu năm 2019, một lượng vốn FDI từ các công ty Trung Quốc được cho là đã chảy mạnh vào Việt Nam.
“Ngay cả khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung được ký kết trong những tháng tới, các công ty đa quốc gia đang lên kế hoạch đầu tư mới có thể sẽ áp dụng chiến lược “Trung Quốc+ 1” để đa dạng hóa và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước bất kỳ căng thẳng thương mại nào trong tương lai,” ông Hak Bin nói tại Asia Invest 2019.
Mặc dù vậy, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng sẽ mang đến những rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Hak Bin, rủi ro thứ nhất đến từ việc xuất khẩu của Việt Nam có thể yếu hơn kỳ vọng, đặc biệt là nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại hoặc nếu nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm hơn so với các dự báo đầu năm.
Thứ hai, đầu tư cơ sở hạ tầng có thể bị chậm lại do những bất ổn hoặc lo ngại liên quan đến việc xử lý các vụ tham nhũng hay các sai phạm trước đây.
Tiến trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước và việc chuyển nhượng đất đai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc điều tra, rà soát hay xử lý trong thời gian tới đây.
“Việt Nam cần kiên định tiếp tục đầu tư, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Việc mở cửa sâu rộng cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn nguồn vốn sẵn có, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn tài chính trong nước có sự thắt chặt hơn (ví dụ tăng trưởng tín dụng thấp hơn và một số các quy định thắt chặt hơn trong cho vay)”, ông Hak Bin nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục các cam kết thoái vốn quyết liệt tại các công ty, ngành nghề không mang tính chiến lược và nâng giới hạn đối với sở hữu nước ngoài tại các công ty nhà nước đã niêm yết.
Đối với chính sách tiền tệ, theo ông Hak Bin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể dần dần chuyển sang việc điều hành chính sách dựa trên quy luật thị trường và quy luật giá, và dần xóa bỏ cách thức điều hành theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng định lượng. Sự thay đổi như vậy sẽ giúp đảm bảo phân bổ vốn hiệu quả hơn và tạo ra một khu vực kinh tế tư nhân năng động hơn.
~Theo TheLeader~