Tái chế giấy và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Tái chế giấy và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Ngày đăng: 15/01/2019 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành

Kinhtedothi - Mang lại giá trị kinh tế lớn, nhưng ngành tái chế giấy cũng là lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Nhận thức được vấn đề trên, nhiều DN trong lĩnh vực tái chế giấy có xu hướng đầu tư xây dựng quy trình sản xuất sạch, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

 Hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Miza.

 

Vì sao nên tái chế giấy? 
Theo thống kê, nhu cầu sử dụng giấy các loại tại Việt Nam tăng trung bình từ 8 – 10%/năm, trong đó, nhu cầu giấy bao bì những năm gần đây tăng bình quân tới 15%/năm. Những năm qua, ngành sản xuất giấy đóng góp khoảng 1,5% GDP của cả nước, với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 dự kiến đạt 1 tỷ USD.
Không chỉ có giá trị lớn về kinh tế, ngành tái chế giấy còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Nguyên nhân là bởi 1 tấn nguyên liệu tái tạo sẽ giúp tiết kiệm 5m3 gỗ và 1.500 lít xăng dầu, cùng nhiều loại hóa chất khác. Sử dụng 1 tấn nguyên liệu tái tạo cũng giúp giảm phát thải 75% khí thải và 35% nước thải. 
Nhu cầu tiêu dùng lớn, giá trị kinh tế cao, tuy nhiên khó khăn hiện nay mà nhiều DN tái chế giấy trong nước gặp phải là nguyên liệu đầu vào. Theo Bộ Công Thương, mỗi năm Việt Nam phải nhập tới 70% nguyên liệu giấy phục vụ tái chế từ nước ngoài. Quy đổi khối lượng, năm 2017, Việt Nam đã nhập 1,95 triệu tấn giấy phế liệu. Năm 2018, dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng, lên mức 2,1 triệu tấn.
Thực tế cho thấy, tái chế giấy là lĩnh vực có sự phù hợp tự nhiên với mô hình kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, ngành tái chế giấy nên được coi là một hoạt động tích cực góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.


Góc nhìn từ một doanh nghiệp 
Có ý nghĩa lớn về nhiều mặt, tuy nhiên, làm thế nào để phát triển ngành tái chế giấy bền vững là điều mà rất nhiều DN đầu ngành trăn trở. Trong số này phải nhắc tới những nỗ lực suốt nhiều năm qua của Công ty CP Miza (huyện Đông Anh, Hà Nội). 
Với công suất khoảng 150 tấn giấy bao bì mỗi ngày, những năm qua, Công ty CP Miza luôn nằm trong tốp 20 DN có quy mô sản xuất lớn nhất tại Việt Nam. Theo thống kê, mỗi tháng DN này sử dụng khoảng 5.000 - 5.500 tấn giấy phế liệu.
Để bảo đảm các quy định pháp luật, Công ty lựa chọn nhập khẩu giấy phế liệu từ các nhà cung ứng quốc tế uy tín, có chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 33:2010/BTNMT của Bộ TN&MT. Điển hình như Choyang Industry Co., Ltd (Hàn Quốc), Forestry Asia Resources (Philippines), Peute Papier Recycling (Hà Lan)… Các loại giấy được nhập khẩu chủ yếu là bìa carton cũ (OCC).
Bên cạnh bảo đảm nguồn gốc giấy phế liệu nhập khẩu, Công ty CP Miza cũng rất chú trọng tới xử lý nước thải từ quá trình tái chế. Kết quả giám sát của Sở TN&MT Hà Nội mới đây nhất cho thấy, nước thải của DN này sau xử lý đã đạt giới hạn cho phép QCVN 12:2015/BTNMT của Bộ TN&MT. Vừa qua, đơn vị cũng đã được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015. Đây được xem là cam kết mạnh mẽ của DN trong nỗ lực phát triển bền vững ngành tái chế giấy.
Với nhiều lợi ích, từ kinh tế cho tới bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Tổng Giám đốc Công ty CP Miza Nguyễn Tuấn Minh cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước nên tiếp tục nghiên cứu, khuyến khích DN tham gia vào lĩnh vực tái chế giấy, trên cơ sở giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu và sản xuất. Trong đó, áp dụng hậu kiểm tại nhà máy đối với sản xuất giấy là một giải pháp cần được tính đến. Đây cũng là cách làm đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực tại những quốc gia đi trước Việt Nam trong lĩnh vực này như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… 

Nguồn: kinhtedothi.vn

Tin tức khác