THÔNG TIN NHANH GIÁ GIẤY TRƯỚC BIẾN ĐỘNG CỦA COVID-19 (TIẾP THEO)

THÔNG TIN NHANH GIÁ GIẤY TRƯỚC BIẾN ĐỘNG CỦA COVID-19 (TIẾP THEO)

Ngày đăng: 19/03/2020 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành

Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Châu Âu đóng cửa

Trong một động thái quyết liệt chưa từng thấy nhằm đối phó dịch COVID-19 leo thang, Ủy ban Châu Âu tuyên bố xem xét đóng cửa biên giới với phần còn lại của thế giới trong 1 tháng. Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến qua video với lãnh đạo các nước EU tối 17/3 theo giờ Đức, Thủ tướng Đức Bà Angela Merkel tuyên bố các nước thành viên EU đã nhất trí áp đặt lệnh cấm nhập cảnh  vào khối này, ngoại trừ công dân các nước thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) và Anh.

Theo quyết định mới, công dân ngoài EU sẽ bị cấm vào khu vực các nước Schengen trong 30 ngày tới. Thành viên gia đình của các công dân Châu Âu và các nhân viên thiết yếu, như bác sĩ, y tá, và những người vận chuyển hàng hóa đến EU sẽ được miễn áp dụng các hạn chế này. Như vậy sau vài ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận Châu Âu là tâm dịch COVID-19 mới thì các quốc gia thành viên EU đã áp đặt các biện pháp quyết liệt trên.

Trước đó tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cũng là yếu tố để giải phóng nguồn quỹ quốc gia nhằm đẩy nhanh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tất cả các hoạt động lễ hội, tụ tập đông người bị hủy bỏ. Nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra một số khuyến nghị và yêu cầu mới bao gồm người già nên ở nhà, mọi người nên tránh ăn uống ở ngoài, đi lại không cần thiết và không tụ tập trên 10 người.

Ngành giấy đứng trước nguy cơ khủng hoảng nguyên liệu giấy thu hồi

Theo các phân tích, việc đóng cửa Châu Âu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mới, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Trong đó, logistics và vận chuyển hàng hóa là hai ngành đang phải chịu thiệt hại nặng nề nhất, việc vận chuyển hàng hóa từ Châu Âu đến các quốc gia khác đang bị ngừng trệ, nhu cầu sụt giảm, thiếu container (do bị tồn đọng số lượng lớn tại các cảng Trung Quốc) làm chi phí gia tăng.

Cụ thể, hãng tàu CMA đã giảm 23 tàu, hãng tàu Maersk và các hãng khác cũng áp dụng biện pháp tương tự. Một số hãng từ chối vận chuyển giấy thu hồi và tăng cước vận chuyển từ châu Âu về Đông Nam Á lên tới 2.500USD, thậm chí 4.000USD/cont 40’, là giá cước rất khó khăn để xuất khẩu giấy thu hồi. Chưa kể nguồn cung cũng sụt giảm do việc thu gom và lưu thông khó khăn vì dịch bệnh.

Trong khi đó, ngành giấy Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đang nhập khẩu giấy thu hồi (OCC, SOP, ONP…) chủ yếu từ Mỹ và các nước Châu Âu… Khi các khu vực này đóng cửa, đồng nghĩa sẽ kéo theo tình trạng thiếu nguyên liệu của các nước nhập khẩu tại Châu Á và Việt Nam.

Tại thời điểm này, giá giấy EOCC (95/5) của Châu Âu đã lên tới 150 – 155 USD/tấn, CIF, cảng thành phố Hồ Chí Minh, giá AOCC11 của Mỹ cũng đã trên 165 USD/tấn và dự kiến giá vẫn còn tiếp tục tăng. Cũng chính vì thế nên rất nhiều nhà cung cấp giấy thu hồi cho thị trường Việt Nam đã huỷ hoặc trì hoãn thực hiện hợp đồng, đơn hàng đã ký, ngay cả khi LC đã được mở để yêu cầu tăng giá hoặc ký các đơn hàng mới với giá cao hơn nhiều. Điều này chắc chắn sẽ gây ra hiện tượng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất giấy tại Việt Nam trong tháng 4 tới và có thể kéo dài trong các tháng tiếp theo.

Theo cập nhật của VPPA, từ đầu tháng 3 tới nay cũng đã xuất hiện tình trạng tranh mua giấy thu hồi nội địa làm cho giá lề OCC tăng liên tục sau mỗi 2-3 ngày/lần và hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp phía Bắc phải mua tới giá 4.000.000đ/tấn, tăng gần 1.000.000đ/tấn so với cuối năm 2019. Trong khi giá giấy thành phẩm chỉ mới tăng khoảng 200.000 – 300.000 đ/tấn. Điều này gây ra áp lực rất lớn cho các nhà sản xuất giấy và làm cho giá giấy thành phẩm chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, khi mà thị trường Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu giấy và giấy lớn.

Do vậy các công ty lớn, có hàng tồn kho nguyên liệu đủ cho một quý trở lên và/hoặc có hệ thống thu gom trong nước tốt sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, trong khi các công ty nhỏ hoặc có mức tồn kho nguyên liệu thấp sẽ bị tác động bất lợi, có thể dẫn đến phải dừng hoạt động.

“Mối lo của nhiều doanh nghiệp giấy hiện nay ngoài việc thiếu nguyên liệu, phải tạm dừng máy, khả năng thừa lao động, phải tạm cho nghỉ việc, chi trả các nguồn chi phí cho nhân công tăng, … Còn có rủi ro khác cũng rất nguy hiểm là nếu một nhân sự bị nhiễm dịch dẫn đến cách ly toàn bộ công ty trong ít nhất 14 ngày cũng hoàn toàn có thể xảy ra”, lãnh đạo một công ty sản xuất giấy cho hay.

Trước thực tế trên, VPPA khuyến cáo đến các nhà máy giấy Việt Nam cần bình tĩnh theo dõi diễn biến thị trường, tránh đua nhau đẩy giá nguyên liệu lên quá cao. Đồng thời cần tích cực phối hợp với Văn phòng Hiệp hội để đàm phán thêm với các nhà cung cấp lớn, uy tín giữ cam kết, nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất giấy trong nước, cũng như kiến nghị kịp thời tới Chính phủ và các cơ quan chức năng về các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro tới mức thấp nhất, góp phần ổn định kinh tế trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra./.

Theo VPPA

Tin tức khác