Hiện nay, rác thải nhựa, túi nilon từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người xả ra môi trường đang hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ làng quê đến thành thị, từ dưới đất đến ngọn cây, từ đất liền ra tới đại dương đã gây nên tình trạng “ô nhiễm trắng,” tác động tiêu cực đến môi trường sống, sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Để giải quyết những mối đe dọa từ “ô nhiễm trắng,” sáng 9/6, tại lễ phát động ra quân toàn quốc “phong trào chống rác thải nhựa,” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể và nhân dân cả nước cùng “chung tay” chống rác thải nhựa, làm sạch môi trường, ‘cứu’ đại dương.
“Không tuyên truyền suông, không vận động chay”
Phát biểu tại buổi lễ phát động ra quân toàn quốc “phong trào chống rác thải nhựa” diễn ra sáng 9/6 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, số lượng bao bì nhựa và túi nylon sử dụng ngày càng gia tăng đe dọa nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường.
Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon,” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về việc chống rác thải nhựa.
Cùng chung nỗ lực đó, Việt Nam tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa.
Với quan điểm nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; kinh tế, xã hội và môi trường là 3 trụ cột cho Việt Nam phát triển bền vững và là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển. Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có thư gửi đến các cơ quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể đồng chí, đồng bào cả nước kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa. Qua đó, một số địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa, thực hiện thúc đẩy việc giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải.
“Sáng nay, tôi cùng với các đồng chí đã tham quan các gian hàng sản phẩm thay thế đồ nhựa. Tôi đánh giá cao các sáng kiến này và mong muốn được nhân rộng trong toàn quốc. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được phát huy và lan tỏa sâu, rộng trong cả nước; nhận thức về tác hại của rác thải nhựa còn hạn chế; thói quen sử dụng túi nylon vẫn còn phổ biến; việc phân loại rác thải nhựa, tỷ lệ thu gom, tái chế thấp,…” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Trước thực tế nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng giải quyết ô nhiễm môi trường nhất là do rác thải nhựa và túi nylon gây ra là nhiệm vụ cấp bách, phải thực hiện thường xuyên và đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, của toàn xã hội và từng gia đình, mỗi người dân.
“Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể, không tuyên truyền suông, không vận động chay; chủ động kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phấn đấu đến năm 2021 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần
Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức của nhà nước cần thực hiện ngay các hoạt động cụ thể chống rác thải nhựa như: Không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức các sự kiện của cơ quan, đơn vị và tiến tới không sử dụng các sản phẩm này trong các hoạt động thường nhật từ năm 2020; hạn chế sử dụng ngân sách để mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần...
“Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, nhất là các đồng chí đứng đầu cấp ủy, các ngành, các cấp, đơn vị, cơ quan phải là những người đi đầu, gương mẫu trong việc nói không với túi nylon, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần,” Thủ tướng nói thêm.
Thông qua buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi gộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần đặt quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Mỗi người dân, từng cộng đồng dân cư ngay từ bây giờ hãy thực hiện từ những hành động nhỏ nhất, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa và túi nylon, góp phần bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ mai sau.
Trong khuôn khổ lễ phát động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà đã trao chứng nhận cho gần 30 thành viên Liên minh Chống rác thải nhựa với sự tham gia, cam kết và tuyên bố hành động của các đơn vị, doanh nghiệp như Công ty trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam, Công ty Cổ phần Quốc tế Thịnh Đạt, Công ty cổ phần hàng không Vietjet...
Đây là những doanh nghiệp tiên phong trong phong trào chống rác thải nhựa, cũng như sản xuất các sản phẩm bền đẹp, thời trang nhưng vẫn thân thiện với môi trường, an toàn cho người tiêu dùng, thậm chí có thể ăn mà không ảnh hưởng tới sức khỏe con người đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận, đánh giá cao.
Điển hình như Công ty Cổ phần Quốc tế Thịnh Đạt, trong bối cảnh các sản phẩm nhựa và túi nilon đang được sử dụng rất phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người, doanh nghiệp này đã nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút tre, ống hút từ gạo, các sản phẩm được sản xuất từ thân cây lúa mỳ. Đây là những loại ống hút tiện lợi và ăn được.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Quốc tế Thịnh Đạt còn nghiên cứu và sản xuất sản phẩm giấy có thể chống nước, sử dụng được nhiều lần và có thể giặt và là được, vừa thân thiện với môi trường, vừa an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm đã được đưa ra thị trường và phục vụ tại các trường học, nhà hàng, khách sạn, du lịch…
Cùng với việc ra mắt và trao chứng nhận cho các thành viên Liên minh Chống rác thải nhựa, tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng đã trao chứng nhận cho các Đại sứ phong trào chống rác thải nhựa năm 2019. Đây là những chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội..., có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng số lượng các doanh nghiệp có những đóng góp tích cực trong phong trào chống rác thải nhựa trên cả nước vào Liên minh Chống rác thải nhựa. Từ đó, lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa và tạo ra chuyển biến tích cực trong xã hội.
Ngay sau lễ phát động ra quân toàn quốc “phong trào chống rác thải nhựa,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, cùng đông đảo người dân Thủ đô đã đi bộ tuần hành tại phố đi bộ, khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, nhằm cổ vũ, kêu gọi cộng đồng chung tay chống rác thải nhựa, cũng như lan tỏa phát triển mạnh mẽ hơn trên phạm vi cả nước../.