TỶ GIÁ USD vs.VND TĂNG MẠNH, NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
Cùng với những biến động của thị trường tài chính thế giới, thị trường ngoại hối trong nước từ đầu tuần này (16/3) cũng ghi nhận mức tăng mạnh của tỷ giá quy đổi VND/USD.
Đến chiều ngày 20/3, tỷ giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại lớn đã đạt xấp xỉ 23.600 đồng/USD, tăng hơn 400 đồng so với cuối tuần trước.
Thậm chí, trên thị trường tự do, nhiều đầu mối quy đổi ngoại tệ đã chấp nhận mua vào với giá 23.600 đồng, nhưng cũng đẩy giá bán ra vượt mức 23.700 đồng đổi một USD, cao nhất từ đầu năm.
Vì sao USD tăng “nóng”?
Lý giải hiện tượng này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ giá quy đổi USD tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ giá loại tiền tệ này trên thế giới, trong khi đó, thanh khoản USD trong nước vẫn ổn định.
Ông cho biết, so với đầu năm, tỷ giá VND/USD tăng khoảng 1,3%, trong khi sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng hơn 7%, lên mức cao nhất 3 năm.
Cũng theo ông Lực, tỷ giá USD thế giới đang tăng mạnh do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Khi dịch bệnh căng thẳng nhà đầu tư thường tìm đến các tài sản an toàn hơn, và USD vẫn hay được đánh giá là một kênh trú ẩn như vậy", ông nói.
Đồng quan điểm, TS Bùi Quang Tín cũng cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến tỷ giá chịu áp lực. Trong đó, đáng kể nhất là đà tăng của chỉ số USD Index trên thế giới tuần này.
“Đây là chỉ số đo sức mạnh đồng USD với 6 đồng ngoại tệ mạnh khác gồm Euro, bảng Anh, Nhật, Canada, Thụy Điển, và Thụy sỹ. So với tỷ giá này, Việt Nam vẫn tăng thấp hơn nhiều 6 đồng ngoại tệ mạnh của thế giới”, ông Tín nói.
Theo tính toán, đến 20/3, tỷ giá quy đổi USD trong nước đã tăng khoảng 1,3-1,5% so với đầu năm, như vậy mới tương đương khoảng 1/6 so với thế giới.
Vị chuyên gia nêu hai lý do khiến đồng USD thế giới tăng mạnh những ngày vừa qua.
Trong đó, không riêng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra các biện pháp kích cầu nền kinh tế như giảm lãi suất 0-0,25%, Chính phủ cam kết tung hàng nghìn tỷ USD ra thị trường, hầu hết quốc gia khác đều có chính sách hỗ trợ không thua kém Mỹ.
Tuy nhiên, sau sự hỗ trợ đó thì các loại hàng hóa đều giảm, từ chứng khoán, bất động sản, vàng, dầu mỏ… Điều này cho thấy người dân và nhà đầu tư không chờ đợi vào các chính sách tiền tệ mà cái họ cần bây giờ là khi nào vắc xin Covid19, dịch bệnh được giải quyết, và nền kinh tế hàng hóa trở lại bình thường.
"Thứ hai, thời điểm này nhà đầu tư cũng không xem trái phiếu Chính phủ Mỹ, đồng Yên Nhật, hay vàng là nơi trú ẩn an toàn nữa mà đổ xô đi mua USD, đó là lý do tỷ giá USD thế giới tăng mạnh chỉ trong 1 tuần vừa qua", ông Tín nói.
Chỉ mang tính chất ngắn hạn
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, tín hiệu tăng giá lần này của đồng bạc xanh chỉ mang tính ngắn hạn vì thực tế khi dịch bệnh đi xuống, nền kinh tế trở lại bình thường thì niềm tin của nhà đầu tư sẽ trở lại.
Khi đó, các thị trường hàng hóa sẽ tăng, nhà đầu tư rút tiền khỏi các kênh trú ẩn để đổ vào các tài sản rủi ro và tỷ giá sẽ ổn định trở lại.
Các chuyên gia cho rằng tín hiệu tăng của tỷ giá thời gian qua chỉ mang tính chất ngắn hạn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TCTC. |
Với thị trường trong nước, TS Bùi Quang Tín cho rằng những tín hiệu hiện nay cho thấy người dân không quá lo lắng trước dịch bệnh mà đổ tiền vào vàng hay USD.
Dù thị trường kiều hối bị ảnh hưởng, xuất nhập khẩu bị tác động, nguồn vốn FDI cũng giảm… nhưng thanh khoản USD trong nước vẫn ổn định. Trong đó, Việt Nam có thế mạnh là dự trữ ngoại hối rất lớn.
“Từ giờ đến cuối năm, khi tình hình dịch bệnh qua đi, giá USD vẫn sẽ biến động trong khoảng 1-2% như tính toán ban đầu của NHNN mà thôi”, ông Tín nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cho rằng, với những diễn biến như hiện nay, tỷ giá sẽ khá phức tạp vì thị trường đang cho thấy những dấu hiệu về suy thoái kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ổn, và tỷ giá năm nay có thể tăng trong biên độ 1-2% là mức chấp nhận được.
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index đã tăng liên tục kể từ khi FED tuyên bố hạ lãi suất khẩn cấp lần thứ 2 vào cuối tuần trước, hiện vẫn duy trì mốc trên 102 điểm. Tính từ, mức 97,7 điểm hồi cuối tuần trước, lên đỉnh cao nhất tuần này 103,97 điểm, chỉ số trên đã tăng tới 6,4%/tuần. Lần gần nhất chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh giao dịch ở mức này đã diễn ra từ tháng 1/2017.
Theo Zing.vn