KH&ĐS: Ngành giấy nguy ngập vì khủng hoảng nguyên liệu trong dịch Covid-19

KH&ĐS: Ngành giấy nguy ngập vì khủng hoảng nguyên liệu trong dịch Covid-19

Ngày đăng: 28/03/2020 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành

Ảnh hưởng nguồn cung từ mọi thị trường

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, nguồn nguyên liệu chính cho ngành giấy là bột giấy và giấy phế liệu hiện đang được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Châu Âu và một số nước ở Châu Mỹ Latin như Brazin.

Dịch Covid-19 từ Trung Quốc và Châu Âu đã khiến ngành giấy phải hứng chịu những biến động giá bột giấy và giấy thu hồi nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics do phụ thuộc rất lớn vào cung – cầu tại thị trường Trung Quốc.

Tại thời điểm giữa tháng 2/2020, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại, ngoài giá giấy phế liệu tăng và khan hiếm do phải cung cấp cho Trung Quốc số lượng lớn (nội địa nước này không thu gom do dịch), thì cước vận tải cũng tăng khoảng 25-30USD/tấn, đã đẩy giá bột giấy và giấy thu hồi tăng cao hơn 30-40USD/tấn (khoảng 28%).

Nhiều nhà cung cấp lớn cho các công ty giấy Việt Nam buộc phải thông báo hủy đơn hàng, không thể giao hàng hoặc trì hoãn giao hàng để gom hàng và yêu cầu tăng giá. Nhiều doanh nghiệp ngành giấy rất khó khăn trong việc mua nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất.

Trong khi khó khăn về nguyên liệu nêu trên chưa dừng lại, thì Châu Âu, Mỹ và các nước tại Châu Mỹ Latin bùng phát dịch. Một lần nữa, ngành giấy lại rơi vào khủng hoảng nguồn cung nguyên liệu. “Sóng dịch” lần này được đánh giá gây ảnh hưởng nặng nề hơn lần trước rất nhiều.

Ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho hay, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc đã khiến giá giấy phế liệu, cước vận tải và các phụ phí khác tăng cao; Tới khi Châu Âu và Mỹ bị dịch Covid-19 và đóng cửa biên giới, khủng hoảng của các nhà sản xuất giấy nội địa càng thêm trầm trọng.

Nhiều hãng tàu giảm số lượng tàu hoạt động, sau khi một số nước Châu Âu đóng cửa biên giới. Một số hãng tàu từ chối vận chuyển giấy thu hồi và tăng cước vận chuyển từ châu Âu về Đông Nam Á lên tới 2.500USD, thậm chí 4.000USD/container 40 feet. Đây là giá cước rất khó khăn để xuất khẩu giấy thu hồi.

Đáng chú ý, theo phản hồi từ doanh nghiệp, hiện nay nhiều nhà máy không thể đặt hàng dù giá giấy thu hồi làm nguyên liệu đã cao. Lý do vì nguồn cung đã sụt giảm và việc thu gom, lưu thông, vận chuyển khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh và đã xuất hiện tình trạng tranh mua giấy thu gom nội địa đẩy giá tăng nhanh liên tục từ đầu tháng 03.2020 đến nay.

Do dịch Covid-19, cước vận tải và các phụ phí khác tăng cao trong khi nguồn cung nguyên liệu khan hiếm khiến doanh nghiệp ngành giấy lao đao

Nguy cơ đình đốn, phá sản là rất lớn

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, các nhà máy giấy đang thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Những công ty có tiềm năng tài chính lớn có thể tích trữ nguyên liệu tồn kho từ 2-4 tháng thì đến nay cũng đang dần cạn nguồn nguyên liệu trong kho dự trữ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải tính đến các phương án tạm dừng máy, cho công nhân nghỉ việc do không đủ tài chính mua nguyên liệu với giá cao, trong khi cũng không tìm được nguồn mới và chưa tăng được giá bán giấy thành phẩm.

Mặc dù vậy, nhìn chung, tất cả các doanh nghiệp hiện đều đang nỗ lực tìm mọi cách tăng cường mua vào nguồn giấy thu hồi sử dụng làm nguyên liệu, kể cả nguồn nội địa lẫn nhập khẩu, cùng với nỗ lực cắt giảm chi phí, áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng tránh dịch bệnh để vượt khó.

“Khan hiếm nguyên liệu và nguy cơ lan nhiễm đến doanh nghiệp khiến các công ty phải dừng máy hay phá sản, là kịch bản xấu của ngành giấy nếu dịch Covid – 19 tiếp tục kéo dài sang quý 3/2020” – ông Hoàng Trung Sơn nhấn mạnh.

Trong khi khó khăn về nguyên liệu chưa được giải quyết, thì các doanh nghiệp ngành giấy còn phải đối mặt với tình trạng xuất khẩu sang các nước sụt giảm về lượng, nhu cầu trong nước cũng đã giảm 15-20% so với cùng kỳ, vẫn phải tiếp tục giữ chân khách hàng, duy trì làm việc và bảo hiểm cho người lao động…

“Ngành giấy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 muộn hơn nhưng nặng nề không kém các ngành công nghiệp khác. Chúng tôi vẫn phải tìm kiếm các nguồn cung cấp hàng mới, nỗ lực trong phòng tránh dịch bệnh và cắt giảm chi phí để cố gắng duy trì hoạt động với hy vọng dịch sẽ qua nhanh. Và do vậy, cũng rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước và ngân hàng như các ngành nghề khác.” – ông Hoàng Trung Sơn nói.

Theo khảo sát và dự báo của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản. Đây là số liệu  khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong khảo sát này không có thông tin liên quan đến ngành giấy trong nước.

Theo Khoa học & Đời sống

Tin tức khác