Mô hình kinh tế tuần hoàn: Câu chuyện từ doanh nghiệp ngành giấy.

Mô hình kinh tế tuần hoàn: Câu chuyện từ doanh nghiệp ngành giấy.

Ngày đăng: 12/07/2021 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành

Sản xuất giấy tái chế “chìa khoá” giải quyết bài toán môi trường

Sản xuất giấy được cho là một trong những ngành công nghiệp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong khi đó, phát triển bền vững không thể tách rời mục tiêu bảo vệ môi trường. Để giải quyết nghịch lý này, Công ty Lee & Man Việt Nam đã chọn sử dụng giấy tái chế.

Ông Patrick Chung – Tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam - cho hay: “Chúng tôi luôn cố gắng tái sử dụng những nguyên liệu có thể tái sản xuất để giảm thiểu áp lực cho môi trường, đồng thời tiết kiệm chi phí”.

Theo số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, tái chế 1 tấn giấy tiết kiệm đến 17 cây gỗ trưởng thành, 4.000 kWh điện, 270 lít dầu, 26 nghìn lít nước và 3,5 m3 đất để chôn lấp. Tái chế giấy tiết kiệm 65% điện năng cần sử dụng để sản xuất giấy mới, đồng thời giảm ô nhiễm nước đến 35% và giảm ô nhiễm môi trường đến 74%.Hiện nay, có 2 loại nguyên liệu chính để sản xuất giấy là giấy phế liệu và bột nguyên (bột giấy làm từ gỗ). Thông thường, quy trình sản xuất giấy từ bột giấy nguyên chất phải trải qua nhiều khâu, đầu tiên là quá trình thu thập cây gỗ hoặc tre, sau đó nghiền, cô đặc, khử nước… Quá trình này tiêu hao khá nhiều nhiên liệu. Trong khi đó, thay vì 1 tấn bột giấy, phương pháp sản xuất giấy từ giấy tái chế có thể tiết giảm được nhiều khâu (khai thác, chế biến, vận chuyển) nên sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Còn theo ông Patrick Chung, trung bình, giấy có thể được tái chế đến 6 lần trước khi bị vứt bỏ. Do đó, không tận dụng “nguồn tài nguyên” này là một sự lãng phí cũng như tăng gánh nặng ô nhiễm cho môi trường. Mặt khác, chất thải rắn (tạp chất như kim loại, nhựa) được xử lý trong quá trình tái chế giấy sẽ được tái cung ứng cho các ngành sản xuất khác.

“Với việc sử dụng hơn 95% nguồn nguyên liệu là giấy tái chế, Lee & Man góp phần giúp Việt Nam giảm khai thác 24 triệu cây xanh, tiết kiệm khoảng 45,5 triệu m3 nước và khoảng gần 6 tỷ kWh điện, góp phần đáng kể giảm thải lượng phát thải và tiết kiệm nguồn nước quý giá”, ông Patrick Chung cho hay.

Đầu tư công nghệ - hướng đi bền vững

Thực tế, nếu tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế phục vụ sản xuất, doanh nghiệp chỉ giải quyết một phần bài toán môi trường. Phần còn lại phụ thuộc rất nhiều vào việc đầu tư hệ thống xử lý thải. Theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, Lee & Man đã chủ động đầu tư phát triển dây chuyền sản xuất hiện đại, với các máy móc thiết bị đa phần nhập khẩu từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ.

Đặc biệt trong khâu xử lý chất thải, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mỗi năm, công ty chi hơn hàng triệu USD cho công tác xử lý chất thải, bao gồm nước thải sản xuất, chất thải rắn, khí sinh học, sinh khối… Với kinh phí đó, Lee & Man đã đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến với hệ thống quan trắc hoạt động 24/24. Các số liệu liên tục được cập nhật (trung bình 5 phút 1 lần) và được truyền trực tiếp về Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang để quản lý nên chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát trước khi đưa ra ngoài môi trường. Hiện công trình xử lý nước thải nội khu được đảm bảo bằng quy trình xử lý 4 bước. Hiện tại, đang tiếp tục cải tiến công nghệ xử lý mùi, đồng thời gia cố hệ thống khép kín trong quy trình xử lý nước thải để xây dựng một nhà máy kiên cố và hiện đại hơn, đặc biệt đảm bảo mùi hôi không phát sinh ra môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phân công một đội giám sát nội bộ đi vòng quanh và kiểm tra nhà máy mỗi ngày với các dụng cụ dò tìm để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn. Nhận thấy vai trò quan trọng của việc xử lý mùi hôi khi xử lý nước thải, Công ty Lee & Man đã chủ động xây dựng một hệ thống làm mát tăng cường trong hệ thống thu gom nước thải.

Ông Patrick Chung chia sẻ, thực tế, Lee & Man cũng đứng trước thách thức lớn về môi trường như bao doanh nghiệp khác khi lần đầu vận hành thử nhà máy tại Hậu Giang. Đó là bài học lớn giúp doanh nghiệp tự điều chỉnh, xem xét và cẩn trọng trong khâu sản xuất, xử lý chất thải... Cho đến nay, hệ thống này gần như đã hoàn thiện. Thậm chí, có những chỉ tiêu trong xử lý thải, doanh nghiệp đã có những chỉ số vượt xa yêu cầu.

mo hinh kinh te tuan hoan cau chuyen tu doanh nghiep nganh giay
Ông Patrick Chung – Tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam - trình bày tại Chuyên đề Phát triển Nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020 - 2030 - Mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu, diễn ra sáng 12/9, tại Hà Nội

 

Hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn

Rác thải, ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn tài nguyên và nguyên liệu cạn kiệt đang là thách thức với nhiều nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước trong đó có Việt Nam thích nghi theo hướng thân thiện với môi trường. Theo đó, mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo nguyên liệu theo vòng tròn khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.

TS. Nguyễn Hoàng Nam - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - nhận định: Mô hình kinh tế tuần hoàn được đánh giá sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho thế giới 4,5 nghìn tỷ USD tới năm 2030, riêng tại châu Âu, lợi ích kinh tế khoảng 600 tỷ USD/năm, tạo ra 580.000 việc làm, giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2018, có 34 quốc gia việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn với 118 mô hình tiêu biểu.

Tại Việt Nam, hiện chưa chính thức sử dụng khái niệm thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn”, tuy nhiên các khai niệm như: Khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên; tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng; ít phế thải; sử dụng năng lượng tái tạo; 3R; thay thế túi ni lông; sản xuất và tiêu dùng bền vững; chuỗi cung ứng xanh; tiêu dùng xanh đã được sử dụng. Một số mô hình đã được ứng dụng vào thực tiến như: trong nông nghiệp mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản tạo ra Chitosan và SSE với tiềm năng 4,5 tỷ USD hàng năm; trong công nghiệp và xây dựng có các mô hình sản xuất sạch hơn; mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm… Thực tiễn cho thấy, kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới môi trường. Thậm chí, họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm cam kết có ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Ngược lại, cũng chính họ sẽ “tẩy chay”, quay lưng với những doanh nghiệp gây ô nhiễm hoặc có những hoạt động ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, doanh nghiệp phải chú trọng hơn trong các hành động phát triển bền vững vì cộng đồng.

Do đó, sự dịch chuyển của thị trường nguyên liệu, chuyển từ sơ cấp sang thứ cấp là xu hướng tất yếu của các ngành sản xuất trong tương lai. Trong đó, ngành giấy, ngành nhựa, thép… là những ngành có nhiều ưu thế để phát triển. Nhưng trên tất cả, các doanh nghiệp phải đảm bảo tính thân thiện với môi trường từ khâu đầu vào, đầu ra, đến phát thải cuối cùng. Giải quyết bài toán nguyên liệu chỉ là bước đầu. Môi trường chỉ đảm bảo khi doanh nghiệp đầu tư đồng bộ cho mọi quy trình sản xuất. Đó cũng là mục tiêu cao nhất của nền kinh tế tuần hoàn.

Báo Công Thương/ Nguyễn Hạnh

 

Tin tức khác