Nghịch lý ngành giấy

Nghịch lý ngành giấy

Ngày đăng: 20/09/2019 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành

Trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu nguyên liệu gỗ dăm làm bột giấy đứng đầu thế giới, thì ngành sản xuất giấy trong nước lại phụ thuộc phần lớn vào nguồn giấy nhập khẩu kể cả nhập nguyên liệu lẫn thành phẩm.

Theo ông Vũ Ngọc Bảo, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), bắt đầu từ năm 2018, Việt Nam đã tăng đáng kể lượng xuất khẩu dăm bột gỗ cứng (nguyên liệu cho chế biến giấy) và vượt qua Australia, trở thành nước có lượng xuất khẩu lớn nhất thế giới. Xuất khẩu dăm mảnh gỗ của Việt Nam có xu hướng tăng lên trong suốt 15 năm qua và đạt mức cao kỷ lục là khoảng 10 triệu tấn trong năm 2018.

 

Theo thống kê của VPPA, năm 2018, xuất khẩu giấy và thành phẩm từ giấy đạt kim ngạch 1,088 tỷ USD, tăng trưởng 50,0% so với năm 2017. Nhưng nhập khẩu giấy các loại và thành phẩm giấy lại có kim ngạch 2,674 tỷ USD, tăng trưởng 13,8% so với năm 2017. Mỗi năm cả nước xuất khẩu nguyên liệu gỗ dăm thu khoảng 300 triệu USD. Trong khi giá xuất khẩu dăm gỗ đi 2 thị trường chính lớn nhất là Trung Quốc và Nhật chỉ ở mức trên dưới 120USD/tấn và giá mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân chỉ khoảng 1,2 triệu đồng, thì giá nhập khẩu bột giấy dao động ở mức 1.000USD/tấn, gấp 9-10 lần so với giá xuất bán dăm gỗ.

Đây thực sự là một nghịch lý trong ngành công nghiệp giấy, chế biến gỗ của Việt Nam. Chúng ta vẫn xuất khẩu dăm mảnh gỗ với khối lượng lớn trong khi ngành giấy lại đang thiếu nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu bột giấy và giấy loại thu hồi làm nguyên liệu sản xuất.

Ông Đặng Văn Sơn, Tổng thư ký VPPA cho biết, thế giới đang khuyến khích sử dụng bao bì giấy thay cho nhựa, tạo nên sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu giấy làm bao bì. Xu hướng tăng sử dụng giấy bao bì trong thương mại hiện cũng đang tăng mạnh. Ngoài ra, với xu hướng xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua và sắp tới, nhu cầu về giấy bao bì sẽ luôn ở mức cao. Tại Việt Nam, giấy làm bao bì hiện chiếm gần 50% tổng lượng tiêu thụ toàn ngành giấy và cũng là loại được nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 45% tổng kim ngạch nhập khẩu giấy.

Để giải quyết bài toán nguyên liệu làm giấy trước mắt, ông Sơn cho rằng, giấy tái chế là nguyên liệu đầu vào trọng yếu của ngành công nghiệp giấy, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Việc tái sử dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội như giảm khai thác tài nguyên, giảm đi việc chặt phá rừng. Sản xuất giấy từ giấy tái chế giúp giảm tiêu thụ năng lượng, chất thải rắn, nước thải và khí thải so với sản xuất từ giấy từ bột nguyên sinh.

Theo ước tính sơ bộ, tỷ lệ thu gom giấy tại Việt Nam chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng dưới 40%. Chính vì vậy, ông Sơn cho rằng, cần khuyến khích việc thu gom tái chế giấy. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho hoạt động nhập khẩu giấy thu hồi, không nên xem giấy thu hồi là phế liệu mà phải coi là nguyên liệu sản xuất.

Để đưa ngành sản xuất giấy Việt Nam trở thành ngành công nghiệp mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, cần phải ưu tiên phát triển các dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất và các dự án mới có quy mô lớn, bảo vệ tốt môi trường. “Sản xuất bột giấy từ nguyên liệu dăm mảnh gỗ là công đoạn mang lại giá trị gia tăng lớn nhất cho ngành công nghiệp giấy”, ông Sơn nói về định hướng phát triển của ngành giấy.

Ngọc Hậu/thoibaonganhang

Tin tức khác